Phân loại rác tại nhà, thu gom lại dồn chung
Từ 25/8, người dân không phân loại rác tại nguồn có thể bị xử phạt nhưng phân loại rồi mà xe thu gom lại dồn chung vào một thùng thì biết phạt ai?
Từ năm 2013, TP Hồ Chí Minh đã thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 5 quận, huyện. Bước đầu, người dân ở những nơi này đều ủng hộ rất nhiệt tình. Nhưng sau gần 10 năm, kết quả không tăng lên mà có nơi còn giảm đi.
Tại phường Bến Nghé, Quận 1, nhà chỉ vài chục mét vuông nhưng bà Tâm vẫn dành chỗ bố trí 2 thùng rác riêng biệt, 1 để rác hữu cơ, 1 để rác tái chế. Thói quen này đã được bà và hơn 300 hộ dân ở khu phố này duy trì 9 năm qua.
Tuy nhiên, rác trong nhà được phân loại, chia thành túi đen, túi hồng, đến lúc đơn vị thu gom tới, lại bỏ chung hết vào một thùng xe, không còn phân biệt loại nào với loại nào khiến nhiều bà con không khỏi thất vọng.
Theo ông Bửu, năm 2013 khi bắt đầu làm điểm, khu phố 1 lập tức có 80% các hộ dân tham gia phân loại rác tại nguồn, sau 10 năm, con số bây giờ chỉ còn khoảng 60%. Bà con đề nghị đơn vị thu gom nên đầu tư các phương tiện chuyên dụng, để bà con thấy kết quả phân loại rác của mình được trân trọng.
Hiệu quả phân loại rác chưa cao
Từ ngày 25/8, Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường chính thức có hiệu lực. Người dân không phân loại rác tại nguồn có thể bị phạt hành chính.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng các địa phương đều khẳng định sẽ chưa thể xử phạt ngay mà chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân. Bởi trên thực tế, các quy định còn chưa rõ ràng, nơi phân rác thành 2 loại, nơi lại chia làm 3 loại và hiệu quả phân loại rác trên thực tế hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Trạm trung chuyển rác trên địa bàn Quận 6, TP Hồ Chí Minh mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm tấn rác nhưng tất cả đều chưa được phân loại. Khâu phân loại trực tiếp của các công nhân ở đây chủ yếu để nhặt ra những thứ có thể bán được.
Chương trình phân loại rác tại nguồn đã được Hồ Chí Minh thí điểm từ hàng chục năm trước. Năm 2018, TP. cũng đã ban hành quyết định số 44 về vấn đề này nhưng đến nay hiệu quả chưa được như mong đợi. Nguyên nhân có thể kể ra là do thiếu cơ sở pháp lý, các quy định bắt buộc. Người dân ở các địa phương chưa duy trì được thói quen, còn các đơn vị thu gom thì thiếu nhân lực và phương tiện chuyên dụng.
Đến nay, 2/3 lượng rác thải của TP Hồ Chí Minh vẫn được xử lý bằng giải pháp chôn lấp. Hầu hết các bãi rác đều đã quá tải, thiếu diện tích để có thể chôn lấp thêm.
Hiện, lượng rác thải của TP Hồ Chí Minh phát sinh khoảng 10.000 tấn/ngày. Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Thành phố, tỷ lệ rác thải chôn lấp hiện nay là 69%. Trong đó, chỉ có khoảng 31% được tái chế, làm phân hoặc đốt rác phát điện.
Theo đề án quy hoạch xử lý rác của TP Hồ Chí Minh, năm 2025, dự báo lượng rác sinh hoạt của Thành phố sẽ phát sinh khoảng 12.500 tấn/ngày. Mục tiêu của Thành phố là đến lúc đó, 80% rác thải sẽ được tái chế và đốt để phát điện và năm 2030, con số này sẽ là 100%.
Thay đổi từ nhận thức
Để thực hiện các mục tiêu này, TP Hồ Chí Minh đã nhận được đề xuất của 6 dự án đốt rác phát điện. Đồng thời có chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xử lý rác. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tạo được thói quen, ý thức của người dân và duy trì điều đó, để ngay khi có đủ điều kiện, chủ trương phân loại rác tại nguồn của TP Hồ Chí Minh sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Đổi pin, lấy sách, vừa bảo vệ môi trường, vừa lan tỏa văn hóa đọc chỉ là một trong rất nhiều nội dung của ngày hội đổi rác lấy quà được tổ chức vừa qua.
Những sự kiện như thế thường xuyên được tổ chức vào dịp cuối tuần ở TP Hồ Chí Minh mang tới những bài học đầy trực quan cho giới trẻ về phân loại rác thải, bảo vệ môi trường.
Tại Quận Phú Nhuận, chính quyền còn phát động cả một chương trình "đem rác lên phường, đừng đem rác ra đường". Mỗi tháng 1 lần, người dân có thể gom các loại rác độc hại, quá khổ quá tải đến UBND Phường để chính quyền xử lý giúp. Nếu cồng kềnh quá, người dân còn có thể nhờ cán bộ phường đến tận nhà chở đi.
Lợi thế lớn nhất của TP Hồ Chí Minh là phân loại rác tại nguồn đã là chủ trương nhất quán của chính quyền lại được hầu hết người dân đồng thuận. Theo số liệu, việc phân loại rác đã được phổ biến đến 238/322 phường xã, chiếm 74% địa bàn toàn thành phố. Việc còn lại chỉ là triển khai sao cho đồng bộ và hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!