Phản cảm những điểm giết mổ lợn tự phát ẩn chứa nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Hồ Trí-Thứ hai, ngày 10/08/2020 15:18 GMT+7

VTV.vn - Sau bao lần ngành chăn nuôi phải khốn đốn vì dịch bệnh, việc tồn tại các cơ sở giết mổ tự phát ở nhiều địa phương đã trở thành điều vô cùng phản cảm và cần phải lên án.

Dịch bệnh vẫn chưa dứt, những điểm giết mổ tự phát vẫn tái diễn khiến không ít người hoang mang

Ô nhiễm môi trường từ lò giết mổ lợn tự phát

Từ năm 2013, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y đã được ban hành, trong đó quy định rõ, hành vi giết mổ động vật ở những địa điểm không phép, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, sẽ bị phạt hành chính từ 2-3 triệu đồng và cho dừng hoạt động.

Số tiền xử phạt chẳng thấm vào đâu, chế tài cưỡng chế đóng cửa lò mổ tự phát cũng kém hiệu quả nên bất chấp lệnh cấm, đến nay, nhiều cơ sở giết mổ tự phát vùng ngoại thành vẫn ngang nhiên tồn tại. Kéo theo đó, tất nhiên là những hệ lụy nhãn tiền.

Âm thanh phá toạc bóng đêm, cứ tầm 1h, các điểm giết mổ tự phát trong khu dân cư lại bắt đầu hoạt động. Sự việc cứ thế diễn ra hàng chục năm nay.

Chỉ tính riêng 1 làng, lò giết mổ không phép đã lên đến chục điểm. Hàng đêm, mỗi điểm giết mổ từ 20 đến 30 con lợn và không phải nhà nào cũng đảm bảo vệ sinh môi trường nên chất thải cứ thế tống thẳng ra những thửa ruộng quanh làng. Cánh đồng chiêm trũng vốn hay ngập úng thì nay thêm phần ô nhiễm.

Đồng ruộng nay vẫn màu xanh nhưng không một bóng người cày cấy, người nông dân chỉ còn biết ngậm ngùi nhìn cánh đồng hoang.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ các cơ sở giết mổ không phép

Phản cảm những điểm giết mổ lợn tự phát ẩn chứa nguy cơ bùng phát dịch bệnh - Ảnh 1.

Hiện nay, cả nước có khoảng 27.000 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở một số địa phương phía Bắc. Hầu hết các cơ sở giết mổ kiểu này, vì không được đầu tư khu giết mổ đúng theo tiêu chuẩn nên dễ gây ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm ở những nơi này; ở mức rất thấp, chỉ dưới 5%, hoặc không kiểm soát được.

Nếu việc giết mổ, xử lý chất thải và tiêu độc khử trùng không đảm bảo kỹ thuật, không có sự giám sát của lực lượng thú y sẽ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh phát tán ra diện rộng. Đặc biệt là nguy cơ tái diễn dịch tả lợn châu Phi.

Những lo lắng của hộ chăn nuôi là không thừa bởi việc tự ý giết mổ tại nhà mới chỉ chủ yếu đáp ứng nhu cầu tại chỗ theo hình thức tự sản tự tiêu nên rất khó kiểm soát. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cần có sự hướng dẫn, nếu ai làm sai thì phải xử phạt để hạn chế nguy cơ khiến mầm bệnh lây lan.

Lợn không kiểm dịch bày bán tràn lan tại chợ đầu mối

Phản cảm những điểm giết mổ lợn tự phát ẩn chứa nguy cơ bùng phát dịch bệnh - Ảnh 2.

Mầm bệnh phát tán và lây lan do tiếp xúc trực tiếp giữa lợn ốm và lợn khỏe, qua việc vận chuyển lợn, từ vùng này sang vùng khác mà không được kiểm soát. Vấn đề đang đặt ra là nếu không kiểm soát được lợn từ khâu giết mổ cho đến phân phối, hàng ngày, dịch bệnh vẫn cứ đang âm thầm len lỏi để trực chờ bùng phát.

Không cần che chắn, cũng chẳng cần truy xuất nguồn gốc, những con lợn sau khi được giết mổ tại các lò mổ tự phát của huyện Phúc Thọ và Thị xã Sơn Tây được đưa thẳng về chợ đầu mối. Người mua kẻ bán tấp nập nhưng không hề có ai kiểm soát nguồn gốc.

Người sờ, người ngửi, tất cả mua thịt bằng cảm quan và giao dịch bằng niềm tin. Điều này đồng nghĩa những sản phẩm chưa được kiểm dịch sau khi giao dịch xong sẽ len lỏi đến hàng trăm, hàng nghìn hàng quán và bếp ăn tập thể khắp nơi trong thành phố.

Lợn không kiểm dịch được tiêu thụ, trách nhiệm của ai?

Sở dĩ có tình trạng này là do tại chợ đầu mối nông lâm sản Sơn Tây, nơi tập trung buôn bán của các hộ giết mổ ở huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây và các vùng phụ cận, các loại thịt có dấu kiểm dịch hay không có dấu kiểm dịch, đều tự do buôn bán như nhau. Chợ này theo phân cấp thuộc quản lý của thị xã Sơn Tây, với hơn 100 hộ kinh doanh thịt lợn, chủ yếu là bán sỉ, với số lợn tiêu thụ mỗi ngày lên đến hàng chục tấn.

Nhưng theo Ban quản lý chợ, họ chỉ quản lý số hộ kinh doanh, việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế chứ không làm nhiệm vụ chuyên môn. Còn đội quản lý thị trường lại cho rằng việc thịt lợn được bày bán không qua kiểm dịch thì là việc của Chi cục chăn nuôi và Thú y, chứ họ không có liên quan, đùn đẩy cho nhau để rồi trăm dâu đổ đầu tằm.

Theo thừa nhận của ngành thú y, từ năm 2018 đến nay, gần như toàn bộ số thịt lợn kinh doanh tại chợ đầu mối này đều không có dấu kiểm soát giết mổ.

Bất chấp lệnh cấm, nhiều điểm giết mổ lợn tự phát vẫn ngang nhiên hoạt động

Phản cảm những điểm giết mổ lợn tự phát ẩn chứa nguy cơ bùng phát dịch bệnh - Ảnh 3.

Sau hơn 7 năm, việc quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm ở Hà Nội vẫn chưa thể hoàn thiện. Hiện nay, toàn thành phố mới có 7/11 điểm giết mổ công nghiệp và 10/16 điểm giết mổ tập trung so với mục tiêu đề ra.

Một số cơ sở triển khai được thì hoạt động không hiệu quả, một số dự án đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn chưa thể thu gom các hộ giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn như mục tiêu đề ra. Tình trạng người dân chở thịt lợn không che đậy, mà chúng tôi gọi vui là lợn "khỏa thân" vẫn xuất hiện trên phố, trong khi thành phố đã cấp thùng tôn để người dân chở thịt lợn từ hàng chục năm nay.

Tại một điểm giết mổ lợn không phép trong khu dân cư với tường rào chắc chắn nhưng khi được hỏi, không ai muốn nhận đó là của mình.

Không dễ tiếp cận được chủ của những hộ giết mổ lợn không phép vì hầu hết họ biết mình đang làm sai quy định. Sau những lần bị chính quyền địa phương xử phạt, mọi việc đâu lại vào đấy.

Các chủ giết mổ lợn không phép vẫn giữ vững quan điểm của mình là không dừng hoạt động cho đến khi ủy ban nhân dân xã phải có cơ chế chính sách hỗ trợ toàn diện. Điều này khiến cho vị chủ tịch bao phen khốn đốn, ông còn phải lẩn trốn khi có phóng viên đề cập đến việc này.

Mặc dù được UBND thành phố giao toàn quyền xử lý các điểm giết mổ tự phát trên địa phương của mình, nhưng có lẽ đối với vị chủ tịch xã này lại là quá sức để rồi vì lợi ích của số ít mà ảnh hưởng đến quyền lợi của phần đông dân cư.

Thời gian gần đây, ngành nông nghiệp liên tục đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, cũng là điều kiện dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc. Hậu quả của dịch bệnh dù là trên người hay trên đàn vật nuôi là vô cùng nặng nề.

Hơn lúc nào hết, chúng ta đã rất thấm thía điều này. Hi vọng câu chuyện này không bị phớt lờ bởi những người trong cuộc vì trách nhiệm có thể là của cá nhân nhưng hành động là để cho cả cộng đồng.

Nhẫn tâm bán lợn giống nhiễm tả lợn châu Phi cho nông dân Nhẫn tâm bán lợn giống nhiễm tả lợn châu Phi cho nông dân

VTV.vn - Liên tiếp những ngày gần đây, các địa phương như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu xuất hiện các ổ dịch tả lợn Châu Phi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước