Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại kênh Bắc Hưng Hải

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 23/06/2022 20:35 GMT+7

VTV.vn - Trải qua hơn 60 năm, công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đang phải oằn mình chống đỡ với tình trạng ô nhiễm.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành đã có công văn yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương liên quan có giải pháp, xử lý ngay các đối tượng, các cơ sở xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Với diện tích tự nhiên gần 215.000 ha, bắt đầu từ cống Xuân Quan thuộc địa bàn TP Hà Nội.  Kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải chạy dài 232 km, qua Hưng Yên, Bắc Ninh, rồi kết thúc ở điểm nối ra sông Thái Bình, tỉnh Hải Dương. Ở vùng đất này trước đây, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, đói kém do lụt lội và cây trồng không mang lại năng suất. Sau khi được xây dựng hoàn thành công trình đầu tiên của hệ thống Bắc Hưng Hải vào năm 1959, nguồn nước tưới tiêu từ sông Hồng về đến đồng ruộng đã khiến cho tình trạng hạn hán, lụt lội tại đây gần như đã không còn.

Tuy nhiên, trải qua hơn 60 năm, công trình này đang phải oằn mình chống đỡ với tình trạng ô nhiễm. Đầu nguồn của kênh Bắc Hưng Hải đã như vậy, các điểm tiếp theo trên hệ thống kênh này cũng ô nhiễm không kém.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại kênh Bắc Hưng Hải - Ảnh 1.

Kênh Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm nghiêm trọng

Kết quả quan trắc môi trường của Viên nước Tưới tiêu và Môi trường mới đây cho thấy, tại khu vực sông Cầu Bây,  chỉ tiêu vi sinh Coliform vượt tiêu chuẩn từ 256 đến 6.400 lần. Hệ thống đầu nguồn của kênh Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an và Công an các tỉnh thành cũng thường xuyên kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm.

Số tiền xử phạt các doanh nghiệp vi phạm môi trường chỉ riêng tại Hưng Yên trong hơn 1 năm qua lên đến trên 11 tỷ đồng

Từ một kênh đào, có ý nghĩa tưới tiêu cho 4 tỉnh khu vực đông bằng Sông Hồng, giờ ô nhiễm môi trường đang trở thành  bức xúc của những người dân lưu vực kênh này.

Dễ nhận thấy là ở hầu hết các hệ thống sông ngòi, thủy lợi liên tỉnh ở nước ta đều chưa có một cơ quan quản lý môi trường thống nhất. Vì thế mới có chuyện Hà Nội xả thải, Hưng Yên gánh chịu. Và cũng tương tự như vậy, người dân ở các địa phương như Hưng Yên, Hải Dương xả thải thì những địa phương cuối nguồn phải chịu ô nhiễm. Các văn bản pháp luật đều đã quy định rõ trách nhiệm nhưng để xử lý triệt để vấn đề này vẫn là một câu chuyện dài.

Cách đây gần 1 năm, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, Bộ Công an đã bắt quả tang Công ty đầu tư thủy lợi Hà Nội có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường từ kênh Cầu Bây, thuộc khu vực cống Xuân Quan, TP Hà Nội ra kênh Bắc Hưng Hải. Theo các cơ quan chức năng, tình trạng này thường xuyên diễn ra và gây ô nhiễm nghiêm trọng cho hệ thống kênh Bắc Hưng Hải.

Việc xử lý nước thải sinh hoạt, nguồn gây ô nhiễm chính trên các lưu vực sông vẫn là một kế hoạch dang dở đối với Hà Nội.

Với Hải Dương, một địa phương cuối nguồn của kênh Bắc Hưng Hải cũng gặp những khó khăn riêng. Nước thải sinh hoạt hầu như chưa được xử lý trong khi cơ chế phối hợp với các địa phương khác vẫn thiếu chặt chẽ.

Công ty 1 thành viên Bắc Hưng Hải, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành nguồn nước cũng gặp nhiều vướng mắc. Cũng như rất nhiều hệ thống các sông ngòi khác ở Việt Nam, từ sông Nhuệ Đáy, sông Đồng Nai, những vướng mắc từ các cơ chế quản lý hiện nay khiến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng trong tình trạng như vậy, thường xuyên để xảy ra ô nhiễm và người dân vẫn phải gánh chịu.

Như vậy, việc xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm kênh Bắc Hưng Hải vẫn cần phải có thời gian và lộ trình. Nhưng dù có một cơ quan quản lý thì trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi xảy ra ô nhiễm sẽ có tiếng nói quyết định để xử lý vấn đề này. Bởi Luật Bảo vệ môi trường cũng đã quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, đăc biệt người gây ô nhiễm phải trả tiền để xử lý ô nhiễm.

Dòng sông Cầu Lương, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên tiếp giáp và chảy vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Dòng nước đã dần trở mại màu trong xanh, thay vì màu đen ô nhiễm.Trước đó, năm 2016, đây từng được đánh giá là con sông chết, nguồn gây ô nhiễm cho kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải. Một công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải hơn 10 tỷ đồng. Đảm bảo nước thải đạt loại A trước khi xả thải ra môi trường.

Còn từ kênh nội đồng ra tới hệ thống  thủy lợi Bắc Hưng Hải chỉ khoảng 300m. Tình trạng ô nhiễm tại đây đã từng gây bức xúc cho nhiều người dân. Nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, nước thải từ các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Văn Lâm được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Nhiều cơ sở sản xuất đã đầu tư các công nghệ tiên tiến xử lý nước thải đạt loại A trước khi xả vào nguồn nước.

Nước thải sinh hoạt và chăn nuôi vẫn chưa được Hưng Yên xử lý. Nhưng những dấu hiệu hồi sinh từ các dòng sông chết cũng  cho thấy sự quyết tâm của địa phương này.

Những giải pháp hồi sinh các dòng sông chết tại Hưng Yên hay những giải pháp mạnh tay của cơ quan chức năng Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh cũng đang thể hiện những nỗ lực để xử lý vấn đề ô nhiễm trên kênh Bắc Hưng Hải . Tuy nhiên, giải pháp lâu dài vẫn cần sự chung tay của chính quyền 4 tỉnh thành phố, đặc biệt là sự vào cuộc của  các cơ sở sản xuất và cộng đồng dân cư . Để dòng kênh Bắc Hưng Hải không chỉ đem lại sự trù phú mà còn mang lại sự trong lành cho vùng đất này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước