Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ

VTV Digital-Thứ tư, ngày 09/08/2023 12:18 GMT+7

VTV.vn - Giữa mùa lũ nhưng mực nước sông Hồng lại thấp. Sông mẹ tạo nguồn thủy lợi đối với nền nông nghiệp Bắc Bộ rộng lớn, bị biến đổi lòng sông đáng lo ngại.

Sông Hồng hay còn gọi là sông Mẹ, được bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc chảy qua miền Bắc Việt Nam và đổ ra vịnh Bắc Bộ. Từ hàng ngàn năm qua, đây được coi là con sông lớn nhất ở miền Bắc, có vai trò đặc biệt quan trọng, là nguồn thủy lợi đối với nền nông nghiệp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn.

Với chiều dài 556 km chảy qua địa phận Việt Nam, Sông Hồng cũng đóng một vai trò quan trọng về thủy điện, môi trường và giao thông vận tải đường thủy. Thế nhưng, trong những năm gần đây, sông Hồng ngày càng biến đổi với những dấu hiệu bất thường theo chiều hướng tiêu cực, mà chưa được các Bộ, ngành và các địa phương, nơi có sông Hồng chảy qua quan tâm đúng mức. Thứ mà dễ nhận thấy nhất là hiện tượng cạn nước đã và đang xảy ra dù thời điểm hiện nay đang là tháng 8 - vốn là cao điểm mùa lũ trong năm.

Sông Hồng cạn nước giữa mùa lũ

Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 1.

Đây là hình ảnh được phóng viên Chuyển động 24h ghi lại tại sông Hồng đoạn chảy qua cầu Văn Lang, thành phố Việt Trì, cách đây 5 ngày. Nước sông cạn để lộ ra những tảng đá ngầm khiến lòng sông như một ma trận bẫy các tàu thuyền. Để di chuyển an toàn, thuyền bè qua đây đều phải cẩn thận nếu không muốn gặp nạn hay mắc cạn.

Chẳng những lộ đá dưới lòng sông, nhiều vị trí dọc trên khúc sông Hồng ở phía đầu nguồn từ cầu Trung Hà, huyện Ba Vì xuôi về các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nước sông cạn còn biến khu vực vốn là lòng sông thành những bãi cát lộ thiên.

Với thâm niên gần 30 năm mưu sinh bằng nghề đánh cá trên sông, mọi biến đổi lòng dẫn sông Hồng đều được người lái đò cảm nhận rõ ràng nhờ vào bộ dụng cụ đánh cá chìm tận dưới đáy sông của mình. Theo ông, lòng sông Hồng biến đổi chóng mặt trong vòng 4-5 năm trở lại đây. Như tại vị trí này, hiện giờ có thể sâu đến 20m trong khi trước đây chỉ bằng một nửa. Lòng sông sâu xuống bao nhiêu thì mực nước cũng tụt xuống bấy nhiêu. Sự biến đổi này cũng đã khiến những người lái đò như anh Tuân nhận ra.

Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 2.

Anh Trần Bá Tuân - Người lái đò ở bến đò Thúy Lĩnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Mặt nước sông Hồng những ngày tháng đầu tháng 8 vẫn đang yên ả, nhưng không che giấu được những đợt sóng đang cuộn lên ở dưới đáy sông, vì một điều bất thường đã và đang xảy ra: cạn nước dù ngay giữa mùa nước lũ.

Lòng dẫn sông Hồng bị biến dạng, hạ thấp qua các năm

Những biến đổi theo chiều hướng xấu của dòng chảy sông Hồng nói trên không phải là lần đầu tiên được phát hiện. Vấn đề này đã nhiều lần được Viện Quy hoạch thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra cảnh báo, dựa trên những khảo sát đánh giá từ thực tế qua các năm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mực nước đo được tại các trạm thủy văn trên sông Hồng đang có chiều hướng giảm mạnh qua các năm. Biểu đồ theo dõi mực nước còn cho thấy sự hạ thấp mực nước rất lớn ở vùng hạ lưu sông Hồng, đặc biệt là thời kỳ 2010- 2021. So sánh các mặt cắt đo năm 2019 và 2022 với năm 2010 cũng đã thể hiện rõ các mặt cắt trên sông Hồng giảm khá nhiều. Trung bình lòng dẫn bị hạ thấp từ 2m đến 5m tùy từng vị trí.

Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 3.

Khi đáy sông bị tụt sâu thì dẫn đến mực nước cũng bị hạ thấp rất nghiêm trọng.Theo lãnh đạo Viện Quy hoạch thủy lợi, lòng dẫn sông Hồng tụt thấp tạo ra hàng loạt hệ lụy: xói lở ven bờ; thiếu nước sản xuất và sinh hoạt; ảnh hưởng đến an ninh lương thực; gia tăng xâm nhập mặn ven bờ; ô nhiễm môi trường dòng sông và có thể khiến giao thông thủy tê liệt.

Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 4.

Để xảy ra thực trạng cạn nước và biến đổi lòng dẫn sông Hồng như vậy có thể có nhiều nguyên nhân, cũng không loại trừ ảnh hưởng tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu. Nhưng hai nguyên nhân chính khiến đáy sông bị hạ thấp được phía Viện Quy hoạch Thủy lợi chỉ ra do: Các hồ chứa thượng nguồn giữ lại phù sa và việc khai thác cát ồ ạt với quy mô lớn, quá mức trên sông.

Hàng loạt trạm bơm tiền tỷ bị tê liệt

Lòng dẫn ở hạ du sông Hồng ngày càng hạ thấp đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, trước hết là về cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp khi hàng loạt các công trình thủy lợi ven sông không còn lấy được nước.

Dù mới hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 6 năm nay, nhưng đến nay trạm bơm Đan Hoài cũng chỉ đang hoạt động cầm chừng, dù đang vào đỉnh điểm mùa lũ trên sông Hồng.

Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 5.

Còn tại trạm bơm đầu mối Trung Hà, ở huyện Ba Vì, Hà Nội, dù đã nhiều năm nay chẳng thể lấy được nước sông Hồng để bơm, nhưng anh Nguyễn Công Tuấn (Đội phó Đội Quản lý trạm bơm Trung Hà) cùng các công nhân tại xí nghiệp thủy lợi này vẫn phải thường xuyên bảo dưỡng hệ thống các tổ máy, với hy vọng đến một ngày có thể có nước để bơm.

Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 6.

Với tốc độ biến đổi lòng dẫn như vậy, có thể xóa sổ các trạm bơm cùng hệ thống thủy lợi ven sông. Trên thực tế nhiều năm qua, mực nước ngoài sông Hồng có nhiều thời điểm còn thấp hơn cả cao trình đáy cống, hoặc cao trình chõ bơm, khiến hàng loạt các trạm bơm ở Hà Nội như Phù Sa, Đan Hoài, Bạch Hạc, Cẩm Đình, Liên Mạc... cùng các hệ thống trạm bơm lấy nước từ sông Hồng thuộc các tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc... vô cùng khó khăn, thậm chí phải treo máy.

Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 7.

Được đầu tư hơn 400 tỷ đồng nhưng 2 năm nay trạm bơm này cùng hệ thống thủy lợi nội đồng gần như tê liệt. Nước sông cạn cùng với tốc độ thay đổi địa hình lòng sông nhanh đến như vậy, nguy cơ những trạm bơm trở thành các đống sắt vụn giờ đang hiện hữu.

Trước tình hình lòng dẫn sông Hồng ngày càng tụt sâu khiến các trạm bơm không hoạt động được, biện pháp sử dụng hoặc khôi phục lại các trạm bơm dã chiến là phương án dược các công ty thủy lợi tính đến. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế khi nhiều nơi công suất và hệ thống máy bơm đã quá cũ khó có thể đáp ứng.

Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 8.

Dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ước tính của một số chuyên gia trong ngành thủy lợi, đã có hàng chục nghìn tỷ đồng đã được đầu tư vào các hệ thống trạm bơm thủy lợi dọc hệ thống sông Hồng… Sự biến đổi của lòng dẫn sông Hồng qua các năm đã và đang dần dần loại bỏ những công trình này trở thành một thách thức để duy trì việc canh tác nông nghiệp của bà con ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Gia tăng mức độ ô nhiễm trên các sông nhánh

Không chỉ các trạm bơm thủy lợi ven sông bị tê liệt, ngừng hoạt động, khi lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp, hệ thống các sông nhánh khác như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Bắc Hưng Hải…. cũng thường xuyên trong tình trạng cạn nước, vì các cống dẫn nước từ sông Hồng không thực hiện được chức năng lấy nước nữa.

Trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, cống Liên Mạc, ở địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội trở nên không còn tác dụng như chức năng vốn có của nó. Được thiết kế để dẫn nước sông Hồng vào sông Nhuệ nhưng chuyện oái oăm lại xảy ra khi nước sông Hồng thường xuyên thấp hơn nước trong sông Nhuệ. Nên đơn vị vận hành cống thủy lợi Liên Mạc buộc phải đóng cống để ngăn nước từ sông Nhuệ chảy ngược ra.

Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 9.

Tình trạng tương tự cũng tại xảy ra tại cống Cẩm Đình, ở huyện Phúc Thọ - nơi dẫn nước từ sông Hồng vào sông Đáy. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là nguyên nhân gây gia tăng mức độ ô nhiễm đối với các hệ thống thủy nông và các sông liên quan tại đô thị Hà Nội do không có nguồn nước thau rửa thường xuyên. Vì thế, nhiều thời điểm trong năm, tại hệ thống thủy lợi sông Nhuệ hay sông Bắc Hưng Hải buộc phải sử dụng nước bẩn, ô nhiễm để bơm vào ruộng phục vụ canh tác cho người dân, vì nếu không bơm thì cũng chẳng có sự lựa chọn đối với nguồn nước nào khác.

Nguy cơ hạn hán giữa mùa lũ

Trước những khó khăn về nguồn nước phục vụ canh tác nông nghiệp, Tổng cục Thủy lợi đang phối hợp cùng Viện Quy hoạch Thủy lợi đưa ra các giải pháp phù hợp, đối với từng vị trí công trình ở từng địa phương. Trong trường hợp nguồn nước quá khó khăn thì phải xem xét chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hoặc xây dựng những trạm bơm cố định thay thế cho những công trình cũ hiện tại không vận hành được. Về lâu dài cần nghiên cứu kĩ những công trình lấy nước chủ động như thiết kế các đập dâng để có thể dâng mực nước, nâng đáy sông.

Hiện đề xuất này đang được Viện Quy hoạch Thủy lợi khảo sát đánh giá để sớm quyết định có triển khai hay không. Vì nước là thứ sống còn với bà con trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 10.

Sau hơn 4 tháng gieo cấy, đến nay, hơn 3.000ha lúa trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội đã bắt đầu trổ đòng. Đây được coi là thời điểm rất quan trọng, quyết định trực tiếp tới năng suất cho một vụ lúa được mùa hay thất thu. Tuy nhiên, tình hình thiếu nước liên tục kéo dài khiến những người nông dân như bà Nga đang ngồi trên đống lửa.

Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 11.

Tình hình thiếu nước liên tục kéo dài khiến những người nông dân như bà Nga đang ngồi trên đống lửa.

Nguồn nước tưới phục vụ canh tác nông nghiệp cho bà con Ba Vì vốn phụ thuộc vào 2 nguồn: nước sông trên đầu nguồn và nước dự trữ trong hồ suối hai. Trong bối cảnh nước sông Hồng cạn kết hợp cùng lòng dẫn tụt sâu đã khiến trạm bơm bị tê liệt. Còn hồ suối Hai cũng dần trơ đáy, mọi niềm hy vọng chống hạn dồn cả vào nước trời.

Với những bà con trồng lúa ở đây, giờ còn phải trông thêm cả nước sông Hồng. Vì những cơn mưa như thế này chẳng làm vơi đi cơn khát của những cánh đồng lúa ở đây.

Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 12.
Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ - Ảnh 13.

Hạn hán kéo dài từ đầu năm đến nay đã khiến số ít người chẳng còn mặn mà trồng lúa nữa. Và để dẫn nước về ruộng của mình, có thời điểm những cuộc cãi vã do mâu thuẫn đã xảy ra.

Thế mới biết, khi lòng sông Hồng "cựa mình" biến đổi không phải là vấn đề của riêng một dòng sông mà điều lo ngại hơn là ảnh hưởng đến sinh kế của hàng vạn người dân, vì họ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để tạo ra lương thực trên những cánh đồng lúa nước này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước