Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo không sử dụng nguồn nước hiện tại cho việc ăn uống trực tiếp, nhưng người dân ở đây cho biết không còn nguồn nước nào khác để thay thế.
Dựa trên khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đăng tải, không sử dụng ăn uống trực tiếp, mỗi hộ gia đình tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có một cách khác nhau để làm sạch nước máy được cấp đến nhà mình.
Ông Nguyễn Hà Sơn cho biết, dù để lắng, lọc qua bể cát với than hoạt tính, sau đó mới đến máy lọc nước mini, nhưng cũng chưa thực sự yên tâm về nước gia đình đang dùng hàng ngày.
Mỗi hộ gia đình tại xã Hữu Bằng có một cách khác nhau để làm sạch nước máy được cấp đến nhà mình.
"Nếu chưa qua xử lý, mà chạy thẳng vào máy lọc thì 5 - 7 ngày phải thay một quả lọc. Nếu muốn sử dụng nước sạch thì phải 5 - 7 tải cát than hoạt tính để xử lý rồi mới đến máy lọc", ông Nguyễn Hà Sơn, xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, chia sẻ.
Tại gian bếp của một hộ gia đình kinh doanh ăn uống, ngoài diện tích nấu nướng, bể chứa, đường ống, hệ thống lắng lọc nước chiếm hơn một nửa không gian.
"Bếp được 20 m2 nhưng chủ yếu là để lọc nước, mất nhiều diện tích quá", anh Nguyễn Tiến Tuấn, xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, cho hay.
"Một tháng nhà em gồm 2 vợ chồng, 3 đứa con là 5 người, sử dụng trên dưới 400.000 đồng tiền nước. Số tiền bỏ ra tương đối nhiều so trung tâm Hà Nội, mình ở đây nhà quê, bỏ tiền nhiều thế mà không được dùng luôn, phải lọc đi lọc lại rất là phi lý", anh Nguyễn Huy Hùng, xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, cho biết.
Theo tìm hiểu, định hướng Quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020 tại Quyết định số 2691 của TP Hà Nội ban hành ngày 18/4/2013, các xã: Phùng Xá, Hữu Bằng, Lại Thượng, Phú Kim của huyện Thạch Thất là những địa phương đấu nối sử dụng nguồn nước sạch sông Đà. Tuy nhiên cho đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!