Người dân xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết họ rất lo lắng vì các nguồn nước giờ đều ô nhiễm, không đảm bảo cho sinh hoạt hàng ngày và không đảm bảo sức khỏe.
Chưa có nguồn nước máy, các nguồn nước tự nhiên ô nhiễm nghiêm trọng, hàng nghìn hộ dân ở ngay Hà Nội đang gặp khó do nhà máy nước mặt sông Hồng chưa biết khi nào mới đi vào hoạt động.
Chậu... nước sinh hoạt thường ngày.
Chưa có nguồn nước máy, nước giếng khoan thì ô nhiễm nghiêm trọng, đến cả nguồn nước khả dĩ nhất để ăn uống là nước mưa thì giờ cũng không sạch như xưa.
Nước đen kịt tuôn ra xối xả. Chỉ cần khuấy một chút bể lọc cát sỏi là đủ thứ cặn bẩn lưu cữu đã trào ra. Nhìn bể chứa nước phía dưới của nhà ông Thuyết là có thể hình dung ra bể lọc phía trên như thế nào. Theo ông Thuyết, dù mới thau rửa được 1 tháng mà thành bể đã bám đầy chất bẩn đen kịt, dính nhớt.
Lõi lọc nước tại một hộ gia đình ở địa phương.
Còn lõi lọc nước của nhà chị Thu, bẩn đến mức còn không nhìn rõ lõi. Dù đã qua 1 lần lọc cát sỏi nhưng lõi vẫn bẩn. Một lớp cặn bẩn dính sệt như đất sét, bám dày vài phân quanh lõi lọc. Khi rửa qua một chút, nước trong chậu đã chuyển thành đen.
Những người dân địa phương cũng cho biết, khoảng 4-5 năm gần đây, nước ngày càng ô nhiễm hơn.
Theo đại diện UBND huyện Đan Phượng, chính quyền chưa lấy mẫu xét nghiệm nước tại các giếng khoan nhỏ lẻ của các hộ dân mà chỉ lấy mẫu đột xuất tại một số trạm cấp nước giếng khoan tập trung. Với riêng địa bàn xã Tân Lập, xét nghiệm tại nhà máy nước Long Long mới tháng 6 vừa rồi, chỉ số amoni cao gấp hơn 3 lần cho phép, chỉ số pecmaganat và mangan cũng vượt quy chuẩn của Bộ Y tế.
Đại diện huyện cho biết, theo quy hoạch cấp nước Thủ đô, toàn bộ huyện Đan Phượng sẽ được sử dụng nước từ nhà máy nước mặt sông Hồng. Theo kế hoạch, nhà máy phải cung cấp nước sạch cho hàng trăm nghìn dân Đan Phượng và vùng phụ cận từ năm 2018 nhưng đến tận bây giờ đã là cuối năm 2020, toàn bộ nhà máy này vẫn còn ngổn ngang.
...bể chứa đều nhuộm màu đen kít.
Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết, nhà đầu tư Nhà máy nước mặt sông Hồng có báo cáo thay đổi công nghệ sang công nghệ của Nhật cho nên phải điều chỉnh lại toàn bộ cái dự án, tính đến nay dự án cũng chậm tiến độ. Ngoài việc ảnh hưởng đến an sinh xã hội, còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến cả việc thực hiện đề án lên quận của huyện nữa. Vì nó sẽ theo khớp nối hạ tầng toàn bộ các hệ thống, ống dẫn rồi truyền dẫn nó ảnh hưởng đến giao thông, vì khi thực hiện nó sẽ phải liên quan đến khớp nối.
Khi nguồn nước ngầm bị ô nhiễm và nhà máy nước sạch vẫn chưa biết bao giờ mới đi vào hoạt động, người dân ở đây chỉ còn trông đợi được vào nguồn nước mưa. Thế nhưng, xã Tân Lập không thiếu những xưởng gỗ xả khói đen suốt ngày lẫn đêm. Không khí ô nhiễm, bầu khí quyển nói chung cũng ngày càng ô nhiễm khiến nước mưa cũng không còn an toàn như xưa. Theo người dân, những lõi lọc nước mưa chỉ vài tháng cũng đã đen bẩn.
Hiện đang có khoảng 200.000 nhân khẩu thuộc huyện Đan Phượng và huyện Phúc Thọ vẫn đang thiếu nước sạch do nằm trong vùng quy hoạch của nhà máy nước mặt sông Hồng. Tuần trước, chủ đầu tư nhà máy này đã cam kết đến Quý IV/2021 sẽ bắt đầu phát nước. Tuy nhiên, khi đã có nước, cũng sẽ còn mất thêm khoảng 5-6 tháng để có thể hoàn thiện hệ thống đường ống tới từng nhà dân. Điều đo có nghĩa người dân ở đây phải chịu ít nhất 1 năm rưỡi nữa mới được sử dụng nước máy sạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!