Tại Tiểu khu 1644 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý bảo vệ, lực lượng chức năng vừa phát hiện khoảng 1 ha rừng bị các đối tượng tàn phá. Tại hiện trường, cả một vạt rừng chỉ còn trơ lại vài cây, nhiều cây có đường kính từ 30-40cm bị cưa đổ, thay vào đó là các loại cây công nghiệp như bơ và sâu riêng.
Ông Trần Hữu Dưỡng,Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quảng Sơn, Đắk Nông cho biết: "Các đối tượng sử dụng cưa xăng, cưa điện, rựa…lợi dụng ban đêm để chặt phá rừng. Sau khi phá thì các đối tượng chờ khoảng 2-3 tháng rồi đốt để trồng cây".
Theo chính quyền địa phương, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do trên địa bàn có số lượng dân di cư tự do đông kéo theo nhu cầu đất ở, đất sản xuất lớn nên người dân thường xuyên xâm nhập vào rừng, đốn hạ cây rừng trái phép để lấn chiếm đất.
Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện hơn 440 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, phần lớn các vụ phá rừng xảy ra tại lâm phần các công ty, doanh nghiệp nhận quản lý, bảo vệ rừng khi chiếm đến 150 vụ.
Một thực tế khác, trước đây, tỉnh Đắk Nông đã bóc tách, thu hồi rừng và đất rừng từ các nông, lâm trường để bàn giao cho các đơn vị thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp mà thiếu khảo sát hiện trạng, không nắm chắc được các đối tượng đang sử dụng đất trong diện tích thu hồi để có phương án giải quyết hợp lý dẫn đến tranh chấp kéo dài. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các dự án hoạt động không hiệu quả.
Theo thông tin phóng viên thu thập được từ Chi cục Kiểm lâm vùng 4, chỉ trong năm 2021, rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên tiếp tục giảm hơn 12.000 ha. Đáng nói, không chỉ giảm về diện tích mà còn suy giảm cả về trữ lượng. Đến thời điểm này, hơn 70% diện tích rừng tự nhiên ở khu vực này là rừng nghèo kiệt và những vụ phá rừng thì vẫn chưa dừng lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!