Nội soi cột sống & phẫu thuật cột sống ít xâm lấn

Trúc Anh-Thứ bảy, ngày 05/08/2023 12:44 GMT+7

Chương trình tư vấn trực tuyến "Nội soi cột sống & phẫu thuật cột sống ít xâm lấn" thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả.

VTV.vn - Phẫu thuật nội soi cột sống ra đời là bước tiến dài của y học hiện đại, giúp hạn chế tối đa thương tổn và nhanh phục hồi.

Vào lúc 20h ngày 3/8/2023, chương trình tư vấn trực tuyến "Nội soi cột sống & phẫu thuật cột sống ít xâm lấn" do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã diễn ra. Trong suốt 120 phút diễn ra, chương trình đã thu hút nhiều sự quan tâm nhờ có sự tham gia của các chuyên gia Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh như BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Thần kinh cột sống; BS.CKI Lê Thanh Vương; BS.CKI Kim Thành Tri.

Dưới đây là một vài trong số rất nhiều câu hỏi được gửi tới chương trình đã được các bác sĩ trả lời cặn kẽ và dễ hiểu.

Nội soi cột sống & phẫu thuật cột sống ít xâm lấn - Ảnh 1.

BS.CKI Trần Xuân Anh - Trưởng khoa Thần kinh cột sống - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Với câu hỏi "Em sinh năm 1997, đã bị thoát vị đĩa đệm 3 năm nay, giờ cứ có cảm giác tê đau dưới chân, cũng có tình trạng teo cơ chân phải. Tình trạng em thì nên điều trị như thế nào?", BS.CKI Trần Xuân Anh cho biết, nếu người bệnh thoát vị đĩa đệm không bị teo cơ, không rối loạn cảm giác, cơn đau thuyên giảm khi điều trị bằng thuốc thì thường không cần tới phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với các trường hợp đã xuất hiện biến chứng, bác sĩ có thể cân nhắc đến chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật thường được thực hiện khi các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả.

Hiện có nhiều phương pháp xâm lấn tối thiểu trong điều trị thoát vị đĩa đệm. Nếu hình thái thoát vị đĩa đệm phù hợp với phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp này cho người bệnh. Đối với trường hợp thoát vị đĩa đệm đi kèm hở eo đốt sống, trượt đốt sống, mất vững cột sống, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện những phương pháp như bắt vít qua da, thay đĩa đệm qua ống nông. Do đó, bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Nội soi cột sống & phẫu thuật cột sống ít xâm lấn - Ảnh 2.

BS.CKI Lê Thanh Vương - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Trả lời thắc mắc: "Tôi xem trên youtube của bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thấy có nhiều người mổ hôm trước, hôm sau đi lại được luôn. Bà tôi 67 tuổi, thoát vị đĩa đệm, nếu mổ thì có đi lại nhanh được không?", BS.CKI Lê Thanh Vương cho hay, với trường hợp bà của bạn, bác sĩ sẽ cần thăm khám để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh thoát vị đĩa đệm, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Nếu cần điều trị phẫu thuật, người nhà cũng không cần quá lo lắng. Vì hiện nay đã có phương pháp phẫu thuật cột sống ít xâm lấn. Sau mổ 1 - 2 ngày, người bệnh đã có thể đứng lên, đi lại bình thường. Bên cạnh kỹ thuật mổ còn có những phương tiện hỗ trợ người bệnh sau phẫu thuật như vật lý trị liệu, các loại thuốc giảm đau… Các phương tiện này sẽ giúp người bệnh vận động lại sớm, ngăn ngừa những nguy cơ do nằm lâu như huyết khối tĩnh mạch, viêm loét do tì đè… Điều quan trọng là người nhà nên đưa bà đi khám sớm để có hướng xử trí kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.

Nội soi cột sống & phẫu thuật cột sống ít xâm lấn - Ảnh 3.

BS.CKI Kim Thành Tri - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Câu hỏi: "Em bị vỡ cột sống do tai nạn, em phẫu thuật được 6 tháng rồi nhưng chân bên phải em vẫn còn bị tê từ khi bị tai nạn tới giờ. Bác sĩ tư vấn giúp em cách cải thiện tình trạng này ạ!". BS.CKI Kim Thành Tri cho hay, tình trạng vỡ cột sống như mô tả là một trường hợp nặng. Thêm vào đó, nguyên nhân gây tê chân có thể là do tại vị trí gãy vỡ cột sống, một số mảnh xương đã chèn ép lên ống sống, gây tổn thương dây thần kinh tại đây. Xét về cấu tạo cơ thể, các mô mềm hoặc mạch máu khi bị tổn thương, nếu được điều trị đúng cách, khả năng phục hồi rất cao. Tuy nhiên, với cấu trúc thần kinh, tỷ lệ hồi phục sau tổn thương tương đối thấp. Khi bạn xảy ra tại nạn, có thể chức năng thần kinh ngay chỗ vùng tê xuống bàn chân đã bị thương tổn, gây ra tình trạng tê chân kéo dài. Bác sĩ khuyên bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn điều trị, hướng dẫn tập vật lý trị liệu giúp tăng sức mạnh các cơ chi phối vùng chân, từ đó cải thiện tình trạng tê chân kéo dài.

Với sự phát triển không ngừng của y học ngày nay, tỷ lệ thành công trong điều trị phẫu thuật cho những bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, gai cột sống… đã được nâng cao đáng kể. Vì thế, ngay khi có dấu hiệu bệnh lý ở cột sống, người bệnh nên nhanh chóng thăm khám tại những cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị y tế hiện đại. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu tỷ lệ gặp phải biến chứng sau phẫu thuật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước