Theo thống kê sơ bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội với hơn 87,5% là lễ hội dân gian (vốn được biết đến trước đó với tên hội làng). Trung bình có 22 lễ hội được tổ chức trong một ngày, trong đó không ít các lễ hội trùng lặp về nội dung, hình thức.
Trước mùa lễ hội năm Bính Thân 2016, ngành Văn hóa cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức, quản lý lễ hội và đã có những cải thiện nhất định. Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện xu hướng các địa phương đua nhau tổ chức, phục dựng lễ hội và ở nhiều nơi có biểu hiện thương mại. Do đó, theo nội dung trong văn bản mới nhất mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi các tỉnh, thành, các lễ hội mới không phải là lễ hội truyền thống sẽ không được phép tổ chức; nói “không” với lễ hội có tính thương mại.
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: "Các lễ hội phải gắn liền với lịch sử văn hóa truyền thống của địa phương và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận, cấp phép tổ chức. Các hoạt động lễ hội không được cấp phép sẽ bị xử phạt theo Điều 17 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP năm 2013. Theo đó, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 5 -10 triệu đồng, mức phạt sẽ tăng gấp đôi đối với tổ chức.
Các vi phạm, hành động phản cảm trong các lễ hội xuất phát phần lớn từ ý thức, nhận thức của người tham gia. Tới đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ yêu cầu các địa phương rà soát lại hình thức tổ chức lễ hội, tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong tham gia lễ hội”.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.