Ninh Bình: Giếng khoan ngày càng cạn kiệt, người dân khát nước sạch

Hồng Anh, Ngọc Phức,-Thứ hai, ngày 14/10/2024 15:01 GMT+7

VTV.vn - Tại Ninh Bình, nhiều công trình cấp nước sạch bị bỏ hoang vì người dân ưu tiên sử dụng nước tự chảy, dù nước sạch đã được cung cấp gần 14 năm.

Tại xã Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình, chiếc máy nén nước mới được sắm đang phải hoạt động hết công suất, nhưng lượng nước bơm lên vẫn không đáng kể. Giếng khoan ngày càng cạn kiệt, khiến người dân như ông Vũ Ngọc Thủy phải tìm mọi cách để tích trữ nguồn nước tự nhiên. Ông chia sẻ: "Đang bơm đấy, nhưng nước chảy chậm, tốn điện lắm. 5 tiếng mới được 1 khối nước."

Khi không có nước sạch, người dân buộc phải tìm các nguồn nước khác. Trưởng thôn Cao Thắng, xã Đức Long, Nho Quan cho biết: "Giếng này không đủ cung cấp nước cho bà con. Đa số giếng khoan đều bị nhiễm mặn và nước đục." Tình trạng này khiến người dân luôn lo lắng về chất lượng nước.

Một người dân ở thôn Cao Thắng nhận xét: "Giếng nước trông trong nhưng có mùi tanh của bùn. Khi mùa lũ, nước còn đục hơn." Khi nguồn nước giếng không còn tin cậy, nước mưa trở thành lựa chọn khả thi. Tuy nhiên, chất lượng nước mưa cũng đáng lo ngại, khi nhiều hộ phải lọc nhưng vẫn thấy nước đục.

Ông Đinh Quang, Chủ tịch UBND xã Đức Long cho biết: "Tại thời điểm đó, các hộ dân cũng chưa thể hình dung ra, thế nào là nước sạch tập trung. Chính vì vậy yêu cầu đăng ký đóng góp các hộ gia đình cũng còn khó khăn. Tại thời điểm đó nước giếng, nước mưa chưa bị ô nhiễm nặng nên người ta vẫn chưa có nhu cầu sử dụng nước sạch".

Ninh Bình: Giếng khoan ngày càng cạn kiệt, người dân khát nước sạch - Ảnh 1.

Công ty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình.

Công ty nước sạch lỗ nặng vì người dân không dùng

Tại huyện Kim Sơn, hóa đơn tiền nước của các hộ dân cho thấy tình trạng sử dụng nước sạch rất thấp. Hiếm có hộ nào sử dụng trên 100 nghìn đồng mỗi tháng, trong khi nhiều hóa đơn chỉ ghi nhận mức tối thiểu.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung, TP Khách hàng của Công ty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình, cho biết: "Nhiều hộ chỉ dùng 1 mét khối nước. Hiện tại, mét khối bình quân là hơn 8 khối, nhưng tỉ lệ sử dụng dưới 8 mét khối vẫn chiếm khoảng 20-30%."

Công ty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình hiện quản lý khoảng 30 trạm cấp nước sạch, cung cấp nước cho hơn 70 nghìn hộ dân. Dù chiếm thị phần lớn nhất tỉnh, công ty lại thường xuyên thua lỗ, với khoản lỗ lên tới 25 tỷ đồng trong năm ngoái.

Ông Nguyễn Tử Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: "Công ty thua lỗ xuất phát từ câu chuyện là xuất đầu tư rất lớn, và 2 là nhu cầu sử dụng của người dân ở địa bàn nông thôn rất là thấp. Cái hiệu quả của công ty mang tính chất là hiệu quả về an sinh xã hội. Theo tính toán của doanh nghiệp, giá bán nước hiện tại chỉ bằng 45% giá thành tính đúng tính đủ các loại chi phí nên việc có lãi là bất khả thi. Trạm cấp nước Yên Mô là 1 trong những trạm nước được coi là có năng suất hiệu quả nhất của đơn vị, nhưng cũng không tránh khỏi việc bù lỗ hàng tháng. Nguyên nhân chính cũng xuất phát từ việc nhu cầu sử dụng của người dân rất hạn chế".

Tỷ lệ người dân dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh tại Ninh Bình

Tính đến hết tháng 6 năm 2024, chỉ có 70,3% số hộ dân tại các xã nông thôn tỉnh Ninh Bình được sử dụng nước sạch. Trong khi đó, 97,2% hộ dân có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Điều này cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh trên địa bàn.

Để hiểu rõ hơn về hai khái niệm này, MC Yến đặt câu hỏi: "Nước sạch và nước hợp vệ sinh khác nhau như thế nào?" Một chuyên gia trong lĩnh vực nước, giải thích rằng nước sạch là nguồn nước trong, không màu, không mùi, không vị, và không chứa các độc chất cũng như vi khuẩn gây bệnh. Nước sạch phải đảm bảo 14 chỉ tiêu theo quy chuẩn của Bộ Y tế, bao gồm các yếu tố như nitrat, clorua, asen, sắt, chì, mangan và thủy ngân.

Ngược lại, nước hợp vệ sinh cũng không màu, không mùi, không vị, nhưng chỉ cần có thể sử dụng để ăn uống sau khi đun sôi. Nguồn nước hợp vệ sinh có thể bao gồm nước mưa được trữ, nước bơm lên từ giếng khoan hoặc nước từ các thiết bị dự trữ. Yến nhấn mạnh: "Nước hợp vệ sinh không được coi là nước sạch, và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người."

Nước hợp vệ sinh không được kiểm định, vì vậy rất nhiều người ưu tiên chọn loại nước này thay vì nước sạch do nhiều lý do.

Ninh Bình: Giếng khoan ngày càng cạn kiệt, người dân khát nước sạch - Ảnh 2.

Trạm nước sạch xã Mai Sơn.

Nước sạch: Người cần không có, người có không cần

Tại xã Mai Sơn, Gia Viễn, Ninh Bình, anh Phan Văn Ân, trạm trưởng trạm cấp nước, cho biết đồng hồ nước đã lắp từ dự án ban đầu cách đây hơn mười năm, nhưng chỉ ghi nhận được 220 mét khối nước. "Tháng rồi chỉ có 1 khối, tháng tới mà mưa có khi không có khối nào," anh nói.

Bà Nguyễn Thị Thủy, một người dân ở xã Mai Sơn, cho biết dù nước sạch đã về tận nhà, bà chỉ sử dụng khoảng 1 khối nước mỗi tháng. Bà lý giải: "Chả nhẽ bây giờ đang có bao nhiêu nước mưa mà lại dùng nước sạch tốn tiền. Tôi không chê nước sạch, chỉ là tiết kiệm thôi."

Nhiều công trình cấp nước sạch đã không thể thực hiện đúng sứ mệnh của mình. Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương, cho biết: "Trạm cấp nước ở trên đỉnh đồi được xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 7 tỷ đồng vào năm 2016, nhưng giờ thực tế chỉ có 30 hộ sử dụng, còn lại 470 hộ không ai dùng."

Người dân ở đây lại chọn nước tự chảy từ khe núi, với hàng chục đường ống nước do họ tự kéo. "Nước này ngọt lắm, hơn cả nước khoáng," ông Xuân cho biết, trong khi nhấn mạnh rằng nhiều người không muốn trả tiền cho nước sạch.

Khi dân cần thì công trình có, nhưng khi có họ lại không cần. Không ít các công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã phải bỏ hoang theo cách trớ trêu như vậy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

nước sạch

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước