Những nữ tỷ phú nuôi cá nước lạnh nơi ven trời Tây Bắc

Quân Nguyễn - Hoàng Anh-Thứ sáu, ngày 07/03/2025 06:00 GMT+7

Phụ nữ huyện Tam Đường (Lai Châu) nuôi cá tầm.

VTV.vn - Phát huy lợi thế nguồn nước sạch trong mát từ các dòng suối, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xuất hiện nhiều nữ tỷ phú từ nuôi cá nước lạnh.

Bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là nơi sinh sống của hơn 100 hội viên phụ nữ đồng bào Mông. Sau nhiều năm, cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sơn Bình nỗ lực tuyên truyền, loại hình sản xuất nương rẫy đã dần được người dân thay thế bằng trồng lúa nước và chăn nuôi tập trung.

Các cánh rừng một thời như tấm áo vá, giờ đây cũng đã xanh trở lại, tạo ra nguồn nước trong mát cho người dân phát triển kinh tế ở vùng hạ lưu.

Chị Lý Thị Vua - một người dân ở bản cho biết, chị làm quen với nghề nuôi cá tầm, cá hồi cách đây khoảng 6 năm, trong một chuyến thăm người thân tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Sau một thời gian làm thuê cho doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa, nhận thấy dòng suối chảy qua bản có điều kiện tương đồng, năm 2020, chị quyết định đầu tư 5 bể nổi lót bạt để nuôi cá tầm. Mô hình mang lại hiệu quả đã tăng nguồn thu lớn cho gia đình và hiện nay, gia đình chị có hơn 10 bể nuôi cá tầm, cá hồi.

Những nữ tỷ phú nuôi cá nước lạnh nơi ven trời Tây Bắc - Ảnh 1.

Một hướng phát triển kinh tế mới.

Năm 2024 vừa qua, gia đình chị xuất bán ra thị trường hơn 2 tấn cá, trừ hết chi phí gia đình thu về hơn 1 tỉ đồng. Không giấu nổi niềm vui, chị Lý Thị Vua, bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu chia sẻ: "Gia đình tôi trước đây rất khó khăn, sau khi chuyển sang nuôi cá nước lạnh thì đã đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Công việc hàng ngày của tôi thì ở trại cá, chăm sóc cá, cho cá ăn, kiểm tra nguồn nước và năm vừa rồi gia đình tôi xuất bán cá được hơn 1 tỉ đồng trừ hết chi phí rồi, tôi rất là vui".

Bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu nằm dưới chân núi Hoàng Liên, được bao quanh bởi các cánh rừng già nên có điều kiện khí hậu thuận lợi để nuôi cá nước lạnh.

Những nữ tỷ phú nuôi cá nước lạnh nơi ven trời Tây Bắc - Ảnh 2.

Hồ nuôi được đầu tư bài bản.

Trước tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhằm giúp Hội viên phụ nữ thiểu số vươn lên xóa đói, giảm nghèo, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Lư đã tổ chức các hoạt động tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá nước từ các mô hình nuôi cá điển hình, đem lại hiệu quả kinh tế cho chị em hội viên phụ nữ học tập kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá nước lạnh.

Năm 2023, sau khi học hỏi được kỹ thuật, quy trình nuôi cá nước lạnh, chị Hàng Thị Pàng ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình quyết định đầu tư 3 bể nổi lót bạt để nuôi cá tầm. Mô hình đã mang lại hiệu quả ngay từ năm đầu tiên.

Chị Pàng cho biết: "Gia đình đã đầu tư mỗi ao nuôi 1.000 con giống, chi phí 230 triệu đồng, lúc bán ra được hơn 600 triệu đồng trừ hết chi phí lãi trên 200 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ nghề nuôi cá hồi, cá tầm, năm nay gia đình mở rộng mô hình làm thêm 2 ao, nuôi 7.000 - 8.000 con giống và dự kiến năm 2025 sẽ bán ra thị trường từ 25 đến 30 tấn cá thương phẩm. Nếu chăm sóc cá được tốt, không bị bệnh, không chết, tôi ước tính cuối năm 2025 gia đình thu về trên 1 tỉ đồng".

Những nữ tỷ phú nuôi cá nước lạnh nơi ven trời Tây Bắc - Ảnh 3.

Nguồn nước phải đủ độ lạnh và sạch.

Được biết, cá tầm, cá hồi hay còn gọi là cá nước lạnh là một trong các dòng cá đặc biệt, nuôi ở những nguồn nước cũng kén, có nghĩa là phải là nước lạnh và phải sạch. Từ nhiều năm nay, loài cá này tương đối ổn định về giá cả. Về mặt bằng phát triển kinh tế của dòng cá này tương đối tốt nên nhiều gia đình Hội viên hội phụ nữ xã Sơn Bình lựa chọn dòng cá này để nuôi, tính tạm và nhanh thì mỗi năm các gia đình cũng cho thu nhập ít nhất cũng từ 500 triệu đồng trở lên. Từ đó, giúp nhiều gia đình hội viên hội phụ nữ xã Sơn Bình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Những nữ tỷ phú nuôi cá nước lạnh nơi ven trời Tây Bắc - Ảnh 4.

Nhiều phụ nữ trẻ đã biết làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Bà Trần thị Lượt, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết: "Ngay từ đầu nhiệm kỳ hội liên hiệp phụ nữ xã đã xây dựng kế hoạch của cả nhiệm kỳ, hàng năm sẽ cụ thể hóa xây dựng kế hoạch xây dựng nhiệm vụ cũng như các công văn, lãnh đạo chỉ đạo của hội liên hiệp phụ nữ huyện, xã để bám sát mục tiêu của xã để xây dựng các chương trình để cho chị em phát triển kinh tế. Đặc biệt, tận dụng thế mạnh của địa phương để nuôi cá nước lạnh, đây là một trong những hướng đi phát triển kinh tế bền vững nhất huyện Tam Đường, giúp chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, đời sống tinh thần ngày càng được nâng cao". Với phương châm "Hướng về cơ sở", những năm qua, Hội LHPN huyện Tam Đường đã tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp, đa dạng hình thức hoạt động gắn với giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên.

Những nữ tỷ phú nuôi cá nước lạnh nơi ven trời Tây Bắc - Ảnh 5.

Một mô hình nuôi cá Tầm của chị em phụ nữ huyện Tam Đường (Lai Châu).

Nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có vai trò quan trọng trong thực hiện công tác phụ nữ và các phong trào Hội. Vì vậy, Hội LHPN huyện chủ trương làm tốt công tác kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở. Chủ động phối hợp mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ công tác; chú trọng phương pháp, kỹ năng vận động quần chúng, giám sát, phản biện, phát hiện và xử lý tình huống, tổ chức hoạt động…Bên cạnh đó, thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Tam Đường còn tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động bình đẳng giới. Hội LHPN huyện đã phối hợp với ủy MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội của huyện giám sát việc tổ chức chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, chi trả hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, thu chi các khoản đóng góp của Nhân dân tại các thôn bản.

Những nữ tỷ phú nuôi cá nước lạnh nơi ven trời Tây Bắc - Ảnh 6.

Hi vọng những lứa cá mới đưa lại thu hoạch

Cùng với đó, các cấp Hội cũng thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp. Chú trọng làm thêm sân văn hóa, thể thao, duy trì hoạt động các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao và tổ chức các hội thi, hội thao, hội diễn nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên. 

Bà Lành Thị Tuôi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết: "Ngay từ đầu năm Hội LHPN huyện Tam Đường đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của cấp ủy, cũng như cấp trên đến cơ sở hội. Đặc biệt triển khai chương trình dự án, đề án do hội thực hiện, trong đó có dự án 8 thực hiện bình đẳng giới, giải quyết cấp thiết về phụ nữ, trẻ em. Hội cũng đã xác định kế hoạch định hướng nội dung, các hoạt động tại cơ sở, qua các hoạt động tại cơ sở theo thông tư 55, hướng dẫn 04 của trung ương hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì các chế độ chính sách đã đến với chị em tại cơ sở. Đặc biệt, hỗ trợ chị em phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình kinh tế điển hình như: chăn nuôi gia súc, cây ăn quả, nuôi cá nước lạnh…đã giúp chị em phụ nữ trên địa bàn huyện thu về tiền tỉ mỗi năm".

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, nhất là nguồn thu nhập từ nghề nuôi cá nước lạnh đang được coi là "chìa khóa" giúp nhiều Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu khẳng định vị thế của mình trong thời đại mới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước