Những người thầy thuốc giỏi thầm lặng làm nên những kỳ tích

Mạnh Cường, Phạm Hùng-Thứ năm, ngày 27/02/2025 15:35 GMT+7

Current Time0:00
/
Duration0:00
0:00

VTV.vn - Vất vả, căng thẳng nhưng niềm vui của bệnh nhân cũng chính là trái ngọt từ những nỗ lực của các y bác sỹ.

Hôm nay ngày 27/2 - kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày tri ân những người đã và đang dành trọn tâm huyết, sự cống hiến không mệt mỏi trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Trong suốt 70 năm qua, các y bác sĩ Việt Nam không chỉ là những người thầy thuốc giỏi mà còn là những anh hùng thầm lặng, những người đã làm nên những kỳ tích, cứu sống hàng triệu sinh mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Kỳ tích cứu sống thai phụ ngừng tuần hoàn trong 30 phút

Đã hơn 2 tuần trôi qua, nhưng câu chuyện về kỳ tích cứu sống 1 sản phụ ngừng tuần hoàn hơn 30 phút, với 4 lần sốc điện và rung, vẫn mang lại rất nhiều cảm xúc cho các y bác sĩ ở bệnh viện phụ sản Trung Ương. Bác sĩ Bạch Minh Thu - khi đó là người trực tiếp điều hành ca phẫu thuật đặc biệt này.

Sau hơn 30 phút, dành giật sự sống cho bệnh nhân, những nhịp tim đầu tiên đã bắt đầu trở lại, huyết áp đã bắt đầu được nâng lên dần. Đây là một kì tích với các bác sĩ, bởi tắc mạch ối là một trong những tai biến sản khoa hiếm gặp, nhưng tỉ lệ tử vong cao. Với trường hợp ngừng tuần hoàn hơn 30 phút, tỉ lệ tử vong lên tới 85-90%.

Không chỉ giữ lại một tính mạng mà đó còn giữ lại hạnh phúc của cả một gia đình và rộng hơn là niềm tin cho xã hội. Vất vả, căng thẳng nhưng niềm vui của bệnh nhân cũng chính là trái ngọt từ những nỗ lực của các y bác sỹ. Thêm một câu chuyện khác cũng được chia sẻ rất nhiều trong những ngày vừa qua về ánh sáng của sự tử tế.

Đây không phải là hình ảnh của một bác sĩ đang trong ca trực, mà là hình ảnh một người con đang nén đau thương trong một sáng mùa thu ở Hà Nội khi mẹ anh vừa qua đời. Anh đã đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng đó là hiến tặng đôi giác mạc của mẹ mình để mang lại ánh sáng cho 2 người bệnh mù lòa. Người gọi điện đến Ngân hàng Mô, bày tỏ muốn hiến giác mạc của mẹ là bác sĩ quân y Nguyễn Lê Trung - Phó chủ nhiệm khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103. Người hiến giác mạc là đại úy Lê Thị Hồng Minh (75 tuổi), nguyên nhân viên khoa Dược, Bệnh viện Quân y 103.

Ánh sáng mới từ giác mạc hiến của mẹ bác sĩ quân y

Trong suốt quá trình phẫu thuật lấy giác mạc của mẹ, người con trai ấy chỉ đứng lặng lẽ quan sát từ một góc phòng và tin rằng ở nơi chín suối mẹ sẽ luôn mỉm cười hạnh phúc vì anh đã thực hiện tâm nguyện vô cùng tốt đẹp của mẹ. Kìm nén mọi xúc động, mất mát, chờ đến khi các kỹ thuật viên hoàn thành xong công việc của mình, anh mới tiến lại gần, đặt tay lên mái tóc của mẹ, rồi ôm mẹ, bật khóc khiến nhiều người có mặt trong buổi sáng hôm ấy vô cùng xúc động. Nỗi buồn nén chặt trong lòng anh khi nhìn thấy mẹ đang đang dần yên giấc... Mẹ anh đã dành trọn cả cuộc đời để yêu thương, nuôi nấng các con, để rồi khi ra đi, lại trao tặng điều quý giá nhất cho cuộc đời đó là ánh sáng cho những người khác.

Những tia sáng của hi vọng, của niềm tin lan tỏa muôn nơi, ở cả những nơi xa xôi hẻo lánh. Để giảm áp lực cho những tuyến trên thì y tế tại các địa phương luôn đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, trạm y tế xã đóng vai trò là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tại 1 xã xa xôi nơi cực Nam Tổ quốc - Cà Mau, có 1 người bác sĩ đã lựa chọn gắn bó suốt 16 năm qua, chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi đây. Dù ở bất kì môi trường làm việc nào thì khi đã khoác lên mình tấm áo Blouse trắng - họ đều biết rằng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là niềm vui, hạnh phúc của mình.

Bác sĩ 16 năm gắn bó với y tế vùng khó khăn tại Cà Mau

Nơi làm việc bao quanh là sông rạch, cách trung tâm tỉnh Cà Mau hơn 70km, cơ sở vật chất còn khó khăn. Vậy điều gì đã thôi thúc người bác sĩ này gắn bó tại đây?

Mỗi ngày, Trạm y tế xã Rạch Chèo, Phú Tân, Cà Mau luôn bận rộn tiếp nhận hàng chục lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh.

Gắn bó với y tế vùng khó khăn, bác sĩ Tô Hoàng Vĩnh cùng cán bộ Trạm y tế luôn thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh.

Hàng tuần, bác sĩ Vĩnh đều dành thời gian trực tiếp đến tận nhà những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn để khám chữa bệnh.

Thay vì việc phải đi đò gian nan để đến khám chữa bệnh, kể từ năm 2020, người dân xã Rạch Chèo có thể đi lại thuận tiện hơn nhờ cây cầu được bác sĩ Vĩnh kết nối xây dựng.

Y tế vùng khó rồi sẽ không còn khó khăn nhờ tấm lòng của những bác sĩ hết mình vì người dân nơi cực Nam của Tổ quốc.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước