Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng ký ức và nỗi niềm khắc khoải về đồng đội đã ngã xuống vẫn in dấu trong tâm trí người lính.
Hơn 10 năm qua, Thiếu tá Phạm Trung Mạo cùng đồng đội ở Trung đoàn 10 - Đặc công Ngô Quyền vẫn thầm lặng giúp cho đường về nhà của hơn 200 liệt sĩ ngắn lại, để nhiều gia đình nhận lại được kỷ vật, phần nào làm nguôi ngoai nỗi đau mất mát.
Những bia mộ khuyết danh chưa có thông tin trải dài khắp mọi miền đất nước, là còn rất nhiều đồng đội của Thiếu Tá Phạm Trung Mạo vẫn chưa được gặp lại người thân.
Trở về với ký ức chiến tranh để đi tìm hài cốt đồng đội, trong trí nhớ của ông là hình ảnh cuối cùng của đồng đội trước lúc hy sinh và được chôn cất đâu đó tại những trận địa xưa.
"Nghĩa trang này rất đông anh em ở Sư đoàn 5. Trung đoàn tôi lúc đó phiên hiệu là E27. Anh em đã hy sinh toàn bộ ở khu vực này là 520 đồng chí", Thiếu tá Phạm Trung Mạo, cựu chiến binh Trung đoàn 10 - Ngô Quyền, cho biết.
Hơn 10 năm đi tìm đồng đội, các cựu binh của Trung đoàn 10 Đặc công đã ghi chép lại thông tin, liên hệ các đơn vị, các nhân chứng sống để xác minh danh tính đầy đủ cho hơn 5.000 liệt sĩ.
Thiếu tá Phạm Trung Mạo, cựu chiến binh Trung đoàn 10 - Ngô Quyền.
Chiến tranh đã lùi xa, nghĩa cử của ông Mạo và các cựu binh tâm niệm là làm sao có được một nhà bia tưởng niệm để ghi danh các liệt sĩ, là nơi để thân nhân, các thế hệ mai sau tìm về tưởng nhớ.
Những bước chân xẻ dọc Trường Sơn năm nào lại tiếp tục hành trình sau cuộc chiến. Hành trình được vang vọng từ sâu thẳm trái tim của những người lính Bộ đội Cụ Hồ, luôn sống và chiến đấu bền bỉ, trọn vẹn ân tình.
Chiến tranh qua đi, nhưng trong nhiều gia đình vẫn khắc khoải không nguôi nỗi mong mỏi tìm và đưa được những người con trở về.
Gần 50 năm sau ngày hòa bình cũng là từng đó thời gian, hàng nghìn câu chuyện đi tìm đồng đội được viết nên giữa cuộc đời. Việc làm thầm lặng nhưng tỏa sáng phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!