Ngay từ hôm qua (22 tháp Chạp) - trước ngày ông Công, ông Táo 1 ngày, người dân ở nhiều địa phương đã tất tả đi mua đồ như mũ, hài, quần áo, cá chép… để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Tục cúng ông Công, ông Táo ở mỗi nơi không giống nhau và cũng không theo qui định cụ thể nào. Và vào ngày này, mỗi người dân Việt Nam cũng có những mong ước riêng.
22 năm nay, chị Nguyễn Thị Cảnh (Hưng Yên) bán cau trên các con phố cổ Hà Nội. Tết ông Công, ông Táo và sau đó là những ngày trước Tết Nguyên đán là những ngày chị mong chờ nhất trong năm. Chia sẻ về mong ước ngày Tết ông Công, ông Táo, chị Cảnh nói : "Ngày thường tôi bán được 100 hay vài chục quả. Hi vọng, ngày hôm nay tôi bán đắt hàng, về cúng ông Công ông Táo cùng chồng con”.
Bà Hà cúng ông Công, ông Táo với mong ước con cháu được học hành tiến bộ
Với nhà bà Lại Thị Hà, ngõ Phất Lộc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, do gia đình có 4 người con nên năm nào bà cũng làm mâm cơm cúng ông Công, ông Táo trước 1 ngày, để con cháu về đủ. 70 tuổi, mỗi năm, bà lại chứng kiến những thay đổi của đất nước, thủ đô và cả cách mọi người chuẩn bị cho ngày này.
“Xã hội càng ngày càng tiến lên, con cháu không vất vả như trước nữa. Chúng nó được học hành tiến bộ, tôi cũng phấn khởi…”, bà Hà Nói.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.