Những dòng suối bị "bức tử" ở Quảng Nam

Trọng Ninh- Thanh Phong-Thứ hai, ngày 23/10/2023 11:40 GMT+7

VTV.vn - Nơi thì màu đỏ quạch, nơi thì đặc quánh màu vàng, nơi xám xịt màu xi măng…ai đã khiến những dòng suối ở vùng núi Quảng Nam đổi màu?

Những dòng suối thường được thể hiện trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật với dáng vẻ trong trẻo, hiền hoà. Suối nguồn cũng là biểu tượng của nguồn sống trong lành nuôi dưỡng con người cùng ruộng đồng tươi tốt. 

Nhưng ở một nơi từng được mệnh danh non xanh nước biếc lại đang có những dòng suối bị nhuộm màu ô nhiễm. Những dòng suối chết đó thuộc địa bàn xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. 

Những dòng suốt bị "bức tử"

Ở ngã ba của hai con suối trên địa bàn xã Phước Lộc, khu vực Nhà máy Thuỷ điện Dắk Mil 2, phía bên trái là 1 con suối nước chảy ra trong vắt, trong khi đó con suối bên phải nước đục ngầu. Mặc dù có tên gọi là suối Nước Mắt, nhưng nó chẳng hề trong như tên gọi. Càng ngược lên thượng nguồn thì nước càng đỏ quạch hơn.

Cách Nhà máy Thuỷ điện Đăk Mil khoảng 2km, cạnh một bãi vàng có tên là bãi Muối, phóng viên phát hiện một nhánh suối đổ về phía hạ nguồn lại có màu vàng đục. Lội qua con suối này, người dân địa phương cảm thấy bị ngứa ngáy.

Tại địa bàn xã Phước Thành cũng xuất hiện một dòng suối có tên gọi là Đăk Mét, nước từ phía thượng nguồn đổ ra với màu xám xịt không khác gì màu xi măng. Theo người dân địa phương, cách khu vực này hơn 20km là bãi vàng Khe Tăng đang khai thác lậu, rất có thể là thủ phạm khiến cho nguồn nước bị ô niễm nặng như thế này.

Ông Hồ Văn Trung, PCT UBND xã Phước Thành, Phước Sơn, Quảng Nam cho biết: "Đối tượng lén lút hoạt động, còn việc xả thải thì không có biện pháp nào xử lý, bởi vậy xảy ra ô nhiễm môi trường đối với xã. Công ty làm trên đầu nguồn, xả trực tiếp ra suối, từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống, đặc biệt bà con lấy nước về ruộng cũng bị ảnh hưởng, không phát triển được sản xuất". 

Không chỉ có suối Nước Mắt, suối Đăk Mét bị nhuộm màu đen đỏ mà ở Quảng Nam, người dân cũng đang phản ánh về tình trạng nhiều dòng suốt vốn trong vắt nay cũng đang bị bức tử, khó có khả năng hồi sinh.

Ai là thủ phạm bức tử những dòng suối?

Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện, cũng như giải đáp những nghi ngờ của người dân liệu những bãi vàng đang hoạt động, kể cả có phép và không phép, có phải là thủ phạm bức tử những dòng sông, suối hay không? Phóng viên đã tiếp cận được với một khu đào đãi vàng để mang đến những hình ảnh cận cảnh về vấn đề này. 

Nước trắng đục như sữa xối thẳng ra suối, chảy qua một cánh đồng nhỏ thẳng xuống hạ nguồn - đây là hệ quả từ các hoạt động đào đãi vàng nơi đây.

Giải thích cho lý do có tình trạng này, lãnh đạo UBND huyện Phước Thành cho biết "do đường ống dẫn nước thải của đơn vị khai thác bị cuốn trôi sau mưa và hễ cứ vào kiểm tra thì lại không thấy có hoạt động khai thác nào diễn ra".

Được biết đơn vị khai thác vàng tại đây là Công ty Phước Minh vừa mới trúng đấu giá nhưng chưa được phép khai thác và khi giải trình sự việc thì cho rằng là do sự cố trong quá trình dọn dẹp của khu vực mỏ. 

Thừa nhận việc xả thải như thế này không đúng quy định của pháp luật, nhưng Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng việc xác định nguồn nước có ô nhiễm hay không thì chưa thể biết. 

Được biết, đây không phải là lần đầu Phước Sơn bị người dân phản ánh về tình trạng các doanh nghiêp khai thác vàng làm ảnh hưởng đến môi trường, trước đó, tại xã Phước Đức, một đơn vị khai thác lớn cũng để nước thải xả thẳng ra môi trường với màu nước đen kịt.

Xâm nhập mỏ vàng lậu

Trước thực trạng những dòng suối bị "bức tử" bởi nạn đào đãi vàng không phép hoặc không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, nhưng một số địa phương tỉnh Quảng Nam mới chỉ tính đến việc ngăn chặn nạn khai thác vàng bất hợp pháp, bằng việc cho nổ mìn phá sập các hầm vàng tự phát, truy quét "vàng tặc", còn việc bảo vệ môi trường dường như chưa được quan tâm đúng mức. Nhất là khi thủ phạm đầu độc nguồn nước vẫn khó lòng ngăn chặn.

Mỏ vàng Bồng Miêu mặc dù đã hết phép đóng cửa nhưng hiện nay các đối tượng khai thác vàng lậu vẫn lén lút hoạt động. Phải vòng theo đường mòn gần 10 cây số, phóng viên mới tiếp cận được vị trí mỏ vàng khai thác lậu. Có khoảng 3-4 công nhân đang vận hành máy nghiền đá để đãi vàng, khi phát hiện có người lạ, ngay lập tức họ đã lẻn vào rừng.

Vòng qua quả đồi phía sau, một khung cảnh tan hoang, với ngổn ngang những chiếc lều, bạt, bồn chứa hoá chất và nham nhở các hầm vàng với dấu vết đào khoét còn mới nguyên... chứng tỏ những thợ đào vàng vừa mới rời đi còn chưa kịp thu dọn nồi niêu, chén bát. Có tới 3 đường hầm được đào xuyên vào giữa quả đồi tại vị trí này.

Tiếp nhận bằng chứng phóng viên cung cấp, lãnh đạo UBND xã Tam Lãnh khẳng định hoạt động khai thác này là hoàn toàn trái phép. Khi tổ kiểm tra của xã vừa đặt chân tới hiện trường một bãi vàng ở khu đồi Sim thì 2 đối tượng đã vội quăng máy nổ bỏ trốn.

Ông Sự cho biết Bồng Miêu cũng là điểm nóng trong hoạt động khai thác vàng trái phép. Do liên tục bị truy quét nên 3 tháng đầu năm tình hình có giảm, tuy nhiên mấy tháng trở lại đây, tình trạng này lại đang tái diễn.

Để ngăn chặn nạn đào đãi vàng trái phép, tàn phá môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, trước đó tỉnh Quảng Nam đã phải huy động lực lượng dùng hơn 6 tấn thuốc nổ để phá huỷ 75 hầm vàng trái phép, một số dòng suối chảy về hạ nguồn khi đó đã trong trở lại. Tuy nhiên, với tình trạng tái diễn như hiện nay thì không biết đến bao giờ những con suối này mới được hồi sinh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước