Trong dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2022), những địa danh nổi tiếng của Thủ đô như Nhà hát lớn Hà Nội, Bắc Bộ phủ... nơi lưu giữ những ký ức vàng son, vẫn nhắc nhớ về những ngày không quên của cả dân tộc.
Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Trong những ngày này, Thủ đô Hà Nội chính là ngọn cờ đầu của cuộc tổng khởi nghĩa. Trước sức mạnh của quần chúng nhân dân và lực lượng tự vệ Thủ đô, hầu hết các công sở chính quyền của địch đã mau chóng về tay nhân dân.
Đúng 11h ngày 19/08/1945, hơn 20 vạn đồng bào Thủ đô tập trung trước cổng Nhà hát lớn. Tại đây, Uỷ ban Khởi nghĩa đã đọc lời kêu gọi khởi nghĩa, biến cuộc mít tinh của người dân Hà Nội trở thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền.
Ngày nay, Nhà hát lớn đã trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động, sinh hoạt văn hoá của người dân Thủ đô và những chương trình có tầm ảnh hưởng lớn của đất nước.
(Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản)
Phủ Khâm sai Bắc Kỳ (hay còn gọi là Bắc Bộ phủ) là địa điểm đầu tiên mà lực lượng Việt Minh cùng nhân dân ta đánh chiếm và giành được chính quyền.
Bắc Bộ phủ xưa kia, nay đã trở thành Nhà khách Chính phủ, trở thành một điểm đến quen thuộc của du khách khi đến Hà Nội. Năm 2005, công trình được gắn biển Di tích lịch sử Cách mạng.
Ngày 20/08/1945, Uỷ ban Nhân dân Chính quyền Bắc Bộ, đại diện cho chính quyền cách mạng lâm thời đã chính thức ra mắt quốc dân đồng bào tại vườn hoa Diên Hồng. Sau gần 120 năm tồn tại, đài phun nước vẫn giữ được những nét đẹp xưa. Đây là địa điểm lý tưởng, vừa mang tính hoài cổ, vừa là nơi vui chơi giải trí, thể dục thể thao của người dân Thủ đô.
Tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Hiện tại, ngôi nhà được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa, trở thành điểm tham quan và tìm hiểu về lịch sử dân tộc.
Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, giới thiệu với toàn thế giới về một nước Việt Nam mới, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc Cách mạng tháng Tám.
(Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia)
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nơi đây được Đảng và Nhà nước quyết định chọn làm nơi yên nghỉ của Người. Lăng Bác được xây dựng, trở thành một điểm đến thiêng liêng, một niềm tự hào lớn lao không chỉ của người dân Thủ đô, mà còn là niềm tự hào, vinh quang chung của nhân dân cả nước.
Đã 77 năm trôi qua kể từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, nhưng những dấu tích lịch sử này vẫn mãi là nơi lưu giữ những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!