Cán bộ ''hai vai'' là cách mọi người vẫn gọi hàng trăm cán bộ thôn xã dọc khu vực biên giới Tây Nguyên bởi họ được giao nhiệm vụ vừa quản lý các đội sản xuất cao su và cà phê của Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng, vừa phụ trách các thôn dân cư gồm chính các lao động của đơn vị. Những cán bộ ''hai vai'' này đang góp phần tạo nên những vùng cây công nghiệp trù phú tại biên giới các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Quảng Bình.
Thôn 8 thành lập từ năm 2015, ngay khi những cánh rừng cao su được trồng tại biên giới tỉnh Kon Tum. Thôn giờ đang là nơi an cư của 77 hộ dân, với hơn 300 nhân khẩu là gia đình công nhân cao su. Thiếu tá QNCN Kiều Bá Oanh vốn là quản lý một đội sản xuất cao su kiêm luôn nhiệm vụ trưởng thôn.
"Ban đầu thôn không có dân, dân cư thưa thớt vì thời điểm đó, cao su mới chỉ ở thời kỳ chăm sóc. Họ vào chỉ làm du canh du cư 1, 2 năm, không muốn nhập khẩu ở đây nên xét chế độ chính sách cho dân rất khó'', anh Oanh cho biết.
Để thuyết phục người lao động đưa gia đình vào định cư lâu dài tại vùng đất mới nơi biên giới, anh Oanh cùng các cán bộ chiến sĩ của Binh đoàn 15 đã "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với họ. Hàng trăm thôn dân cư được thành lập theo mô hình "cán bộ hai vai" đến nay đều đã đạt gần hết các tiêu chí nông thôn mới trong đó, tiêu chí nổi bật nhất là thu nhập của người dân. Từ đó, các phong trào xây dựng địa phương đều dễ dàng huy động được đóng góp của họ.
An cư, lạc nghiệp, người lao động có thu nhập ổn định, còn trẻ em được học hành đầy đủ... những gia đình như vậy đang xây dựng nên những thôn làng trù phú, góp phần quan trọng giữ gìn an ninh biên giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!