Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội đã xác định được mẹ của bé sơ sinh bị bỏ rơi, mắc kẹt giữa khe tường ở thị trấn Trâu Quỳ. Theo thông tin ban đầu, người này có thai ngoài ý muốn, tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến việc học nên đã giấu gia đình, bạn bè việc có thai.
Cháu bé sau khi được giải cứu đã được đưa vào bệnh viện chăm sóc và theo dõi, sức khỏe tới thời điểm này đã dần ổn định. Đáng buồn đây lại không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng vứt bỏ con ruột. Ngoài chuyện bị xã hội lên án, việc vứt bỏ con cái sẽ còn để lại nhiều hậu quả nặng nề khác.
Bé sơ sinh bị bỏ rơi giữa khe tường ở Hà Nội đang được các bác sĩ theo dõi sức khỏe.
Tại Kiên Giang, từ đầu năm đến nay có ít nhất 4 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Có bé khi được người dân phát hiện đã tử vong. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm bởi, nhiều người mẹ đã chọn cách phá bỏ khi con chưa kịp chào đời. Số liệu thống kê của nhóm "Bảo vệ sự sống" thuộc Giáo xứ Tân Long, tỉnh Kiên Giang cho thấy: Mỗi tuần, nhóm này đi thu gom từ 80 - 200 em.
Còn với những đứa trẻ may mắn hơn được cưu mang tại các nhà tình thương, hay mái ấm dù vậy, trên thực tế các em vẫn là những đứa con bị cha mẹ chối bỏ cách này hay cách khác.
Bỏ rơi con là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. Bộ Luật hình sự cũng có quy định xử phạt cụ thể cho hành vi này. Theo Điều 124, Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu vứt con mới đẻ trong 7 ngày tuổi gây hậu quả cháu bé bị chết thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nếu người mẹ mà nhẫn tâm giết con thì sẽ bị xử lý hình sự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!