Với đồng bào vùng cao ở tỉnh Quảng Nam, nơi đã bị tàn phá nặng nề bởi mưa lũ cuối tháng 10 vừa qua, việc khôi phục sản xuất và mưu sinh sau lũ đang còn rất nhiều ngổn ngang, đầy khó khăn đòi hỏi nhiều thời gian.
Trời ngớt mưa, vợ chồng ông Xuyên vác cuốc đi tìm kế mưu sinh. Gần 10 sào lúa ruộng, cái ăn chính của gia đình người đàn ông Giẻ Triêng này giờ đã bị cát san bằng. Mất hàng giờ đồng hồ đào bới, ông bà vẫn không thể nào tìm ra được vị trí thửa ruộng mà nhiều năm nay gia đình canh tác. Bất lực là cảm giác của ông Xuyên và hàng trăm hộ dân Giẻ Triêng vùng cao Phước Sơn lúc này.
Ở miền núi, để tìm ra một nơi sản xuất lúa nước cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, sau bão số 9 vừa qua, hàng trăm ha lúa nước của người dân vùng cao Phước Sơn đã trở thành những đống cát. Đối với chính quyền các xã Phước Thành, Phước Lộc, con đường tìm kế mưu sinh cho bà con Giẻ Triêng cực kỳ gian nan trong thời gian tới.
Gạo hỗ trợ của nhà nước hay của nhà hảo tâm, đoàn từ thiện có thể giúp người dân đảm bảo cái ăn trong một vài tháng. Nhưng về lâu dài, ruộng lúa nước bị vùi lấp, lúa rẫy thì sạt lở, không thể canh tác được, cái ăn cho hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số lúc ấy là một vấn đề rất nan giải. Đây là điều mà chính quyền các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam cần tính đến.
Lúa nước, lúa rẫy là nguồn lương thực quan trọng nhất của đồng bào vùng cao Quảng Nam. Tuy nhiên, cơn lũ dữ giờ đã cuốn trôi tất cả. Làm nhà để ổn định nơi ở, phục hồi nương rẫy để bà con no cái bụng là điều mà hàng ngàn hộ đồng bào Giẻ Triêng mong mỏi nhất lúc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!