Nhìn lại những cột mốc lớn trong đợt dịch thứ 4

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 05/10/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - So với 3 đợt trước, đợt dịch này đã để lại những tác động rất nặng nề, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế xã hội.

Khởi đầu từ ngày 27/4, dịch bắt đầu lây lan ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Đà Nẵng. Sau đó, xuất hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K khiến hai bệnh viện phải cách ly y tế kéo dài. Từ những chùm lây nhiễm đó khiến dịch bùng phát mạnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ngày 12/6, Việt Nam cán mốc hơn 10.000 ca mắc COVID-19. Sau 1 tháng rưỡi, số ca tăng lên hơn 100.000 trường hợp. Gần 2 tháng sau thì vượt hơn 700.000 ca mắc.

Dịch tấn công nhiều tỉnh/thành phố có mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thông huyết mạch của cả nước, xâm nhập vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền lệ, trên phạm vi rộng.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, làn sóng dịch bắt đầu khi xuất hiện ca đầu tiên của chùm ca bệnh thuộc nhóm truyền giáo ở quận Gò Vấp. Từ ngày 31/5, thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15. Ngày 9/7, bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Đến 23/8, TP tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội.

Nhìn lại những cột mốc lớn trong đợt dịch thứ 4 - Ảnh 1.

Ảnh: TTXVN

Trước đó, do tình hình dịch bệnh diễn biến quá nhanh, phức tạp, khó lường, với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội tại đồng loạt 19 tỉnh thành phía Nam từ ngày 19/7 - một quyết định khó khăn nhưng cấp thiết để giảm tốc độ lây lan của dịch. Với yêu cầu: ai ở đâu - ở yên đó, đây cũng là lần đầu tiên thực hiện tăng cường giãn cách xã hội trên toàn TP. Hồ Chí Minh và một số địa bàn với các biện pháp tương tự như tình trạng khẩn cấp. Quá nhiều ca F0 khiến hệ thống y tế quá tải. Trước tình trạng quá nhiều ca chuyển nặng và tử vong, lực lượng y tế gần 20.000 người đã vào hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Đợt dịch này ở Việt Nam quả thật là một thách thức vô cùng lớn. Biến thể Delta đã làm đảo lộn những nỗ lực và kết quả chống dịch của Việt Nam và nhiều nước. Gần 6 tháng kể từ khi càn quét Ấn Độ rồi lan rộng toàn cầu, biến thể nguy hiểm này đã khiến Chính phủ nhiều nước loay hoay tìm biện pháp ứng phó. Nhiều quốc gia từng là biểu tượng chống dịch đã phải thay đổi chiến lược để khống chế biến thể Delta.

Biến thể Delta làm chao đảo thế giới

Số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới đã vượt ngưỡng 5 triệu ca. Hơn một nửa số ca tử vong trên toàn cầu là tại Mỹ, Nga, Brazil, Mexico và Ấn Độ. Đa số ca mắc mới và tử vong tại các nước này đều do biến thể Delta gây ra. Biến thể này tới nay đã xuất hiện tai 187 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhìn lại những cột mốc lớn trong đợt dịch thứ 4 - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Nếu như số ca tử vong do COVID-19 lên đến 2,5 triệu người trong vòng hơn một năm thì chỉ mất 8 tháng biến thể Delta đã khiến ngần ấy người qua đời.

Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19, trung bình mỗi ngày hơn 1.800 ca tử vong và hơn 100.000 người phải nhập viện. Biến thể Delta là nguyên nhân tái bùng phát dịch COVID-19, gây ra cuộc khủng hoảng y tế tại các bệnh viện ở Mỹ.

Tại Nga, một làn sóng dịch mới đã hiện hữu, mỗi ngày trung bình 25.000 người mắc mới COVID-19, gần 900 ca tử vong. Nguyên nhân được cho là tỷ lệ tiêm chủng thấp, mới chỉ 33% dân số đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm mũi đầu tiên.

Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường. Philippines, Malaysia, Thái Lan liên tục ghi nhận số ca mắc mới trên 10.000 ca mỗi ngày. Chính phủ các nước Đông Nam Á buộc phải rất thận trọng trong việc dỡ bỏ giãn cách xã hội, đồng nghĩa với đó là những tác động kinh tế khôn lường.

Ngân hàng Thế giới vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia trong năm nay xuống còn 3,7% so với mức dự đoán 4,4% vào tháng 4 vừa qua. Các lệnh hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các chỉ số kinh tế.

Gần 38.000 doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia cũng đã phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Kinh tế Philippines thì nhận định nền kinh tế nước này có thể mất hơn 1 thập kỷ để khôi phục tăng trưởng như trước đại dịch. Các lệnh phong tỏa, hạn chế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Philippines, khiến hàng triệu người mất việc làm, nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói.

Biến thể Delta làm chậm lại đà phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á Biến thể Delta làm chậm lại đà phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á

VTV.vn - Dịch COVID-19 diễn biến xấu đi ở một số nước Đông Nam Á đã làm chậm lại đà phục hồi kinh tế của các nước trong khu vực này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước