Nhiều vướng mắc, bất cập trong việc lắp camera trên xe vận tải

Thùy Dương - Dương Duy-Thứ hai, ngày 19/04/2021 12:18 GMT+7

VTV.vn -Theo quy định tại Nghị định số 10 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, từ ngày 1/7/2021, xe chở khách trên 9 chỗ và xe đầu kéo bắt buộc phải lắp camera.

Mọi hoạt động diễn ra trên xe sẽ được truyền trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước nhằm mục đích giám sát lái xe và hành khách trong quá trình lưu thông. Hiện các doanh nghiệp vận tải đang triển khai thực hiện, tuy nhiên, có nhiều khó khăn và vướng mắc gặp phải.

Doanh nghiệp vận tải Công ty TNHH liên doanh quốc tế DNT quản lý khoảng 25 xe từ 4-45 chỗ. Dù biết đã có quy định phải lắp camera giám sát trên xe nhưng hiện doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện vì thiếu kinh phí.

"Tiền không có, nhân lực không có mà để lắp được thiết bị giám sát hành trình thì chi phí rất cao. Ước tính khoảng 9-15 triệu/xe. Với đội xe nhà mình thì kinh phí phải 300 triệu" - chị Nguyễn Thị Ngần, Giám đốc Công ty TNHH liên doanh quốc tế DNT cho biết.

Nhiều vướng mắc, bất cập trong việc lắp camera trên xe vận tải - Ảnh 1.

Theo quan sát của phóng viên, một số nhà xe kinh doanh vận tải hành khách cũng chưa trang bị hệ thống camera giám sát. Có nhiều lý do khiến nhà xe chưa mặn mà với quy định mới này.

"Nhiều xe khi đấu nối chập cháy, xảy ra hiện tượng chập cháy cộng với doanh thu không có nên rất khó lắp", anh Nguyễn Văn Tới, lái xe cho biết.

Còn theo anh Nguyễn Xuân Thu, ngoài chi phí lắp đặt thì còn "ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề riêng tư của khách trên xe".

Hiện một số nhà xe mới chỉ có thiết bị giám sát hành trình GPS. Theo Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đa số các doanh nghiệp kiến nghị lùi thời điểm lắp.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay: "Nhiều đơn vị, nhiều xe phải mất hàng tỷ đồng, không có tiền đẩy doanh nghiệp khó khăn lại càng khó khăn hơn. Về chủ trường các doanh nghiệp vận tải rất ủng hộ, về thời hạn lắp mà ngày 1/7 phải hoàn thành thì chúng tôi cho rằng quá gấp".

Theo quy định, đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500 km. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan chức năng nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách... thế nhưng, để Nghị định đi vào thực tiễn thì vẫn còn nhiều những khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước