Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN.
Thiếu đủ thứ, nguồn kinh phí eo hẹp nên phòng y tế chỉ mua sắm cơ bản. Trong thời gian qua, Trường THCS Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ghi nhận 3 học sinh nhiễm COVID-19. Khi có ca F0, lớp học lại chuyển trạng thái vừa trực tiếp lại vừa trực tuyến.
Thầy Lại Tiến Lĩnh, Trường THCS Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: "Quá trình đi học có những ca F0, F1, các em phải nghỉ học ở nhà học trực tuyến. Khó khăn lớn nhất là chúng tôi chuẩn bị các bước lên lớp, vừa dạy học trực tiếp vừa phải chuẩn bị máy móc để dạy các em ở nhà".
Trước khi đón học sinh đi học trở lại, các trường học đã phải tính toán từng hạng mục. Hàng chục thứ phải mua sắm để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Chị Chu Thị Thực - nhân viên y tế Trường Tiểu học Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - cho hay: "Nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, cồn, quần áo bảo hộ, máy sát khuẩn cho các con, rất nhiều trang thiết bị nhà trường đã phải cố gắng đầu tư cho các con hết mức có thể".
Nếu làm bài toán, kiểm tra nhanh COVID-19 mỗi tuần 1 lần cho tất cả học sinh. Như trường này có hơn 800 em sẽ tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Ngân sách của trường thực sự không đủ chi.
Bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - cho biết: "Có những ý kiến của cha mẹ học sinh là trước khi các con đến trường có thể test nhanh toàn bộ học sinh nhà trường. Nhưng điều đó rất khó, những test nhanh đó có kinh phí rất lớn. Trường chỉ mới trang thiết bị được khoảng 30 cái test nhanh để phòng dịch trước tiên".
Trong hướng dẫn y tế cũng không bắt buộc phải thực hiện kiểm tra thường xuyên học sinh và giáo viên. Do đó, nhiều trường khuyến khích phụ huynh tự mua que test COVID cho con tại nhà nếu có biểu hiện bất thường.
Sau giờ học, các giáo viên tự mình dọn dẹp, khử khuẩn trường lớp bên cạnh việc tích cực xin hỗ trợ từ các đơn vị. Trường học thời dịch bệnh phải thực hiện chi tiêu theo kiểu "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!