Xây dựng công trình thủy điện là để đảm bảo an ninh năng lượng, mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội. Thế nhưng, tại một số địa phương, tác động tiêu cực từ các dự án thủy điện dai dẳng cả chục năm, đến giờ vẫn chưa giải quyết được.
4 năm sau trận lũ lụt kinh hoàng tại Mường La, Sơn La, khi nhớ lại thời điểm ấy, ông Học vẫn chưa hết bàng hoàng. Nước từ nhánh sông dâng cao gần 3m, cuốn trôi nhà cửa, tài sản và hoa màu của nhiều người dân ven sông. Hàng trăm hộ dân ở đây cho rằng, nguyên nhân là do thuỷ điện Nậm Bú xây đập chắn nước gây ra.
Nguyên nhân đến giờ vẫn chưa được các cơ quan chức năng kết luận. Nhưng theo báo cáo của Tỉnh ủy Sơn La, đây là một trong 4 thủy điện vừa và nhỏ được xây dựng, phát điện từ trước năm 2017 có nhiều vướng mắc, hạn chế.
Những công trình thủy điện này chưa thực hiện nghiêm việc đảm bảo môi trường, vào mùa mưa có tác động gây ngập lụt thượng lưu hồ chứa. Đặc biệt, thủy điện Nậm Bú, vận hành 5 năm nay nhưng đến giờ, công tác cắm mốc giới vẫn chưa tiến hành.
Từ năm 2019, Tỉnh ủy Sơn La đã thành lập tổ công tác rà soát các thủy điện nhỏ trên địa bàn. Năm 2020, Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch 472 dự án thủy điện nhỏ có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Bởi theo thống kê, để phát 1 MW điện, phải mất từ 5 đến 10ha rừng. Không chỉ là rừng, cuộc sống của hàng trăm nghìn hộ dân ở vùng hạ du sẽ bị ảnh hưởng, nếu không có giải pháp quyết liệt
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!