Thủ đoạn của chúng là yêu cầu người dân làm các thủ tục trực tuyến để chiếm đoạt, đánh cắp thông tin cá nhân và sử dụng các thông tin này để tiếp tục lừa đảo.
"Chúng tao ở đây là người thật việc thật chứ không lừa dối gì ai. Có điều nó chậm, nó trễ, mọi người đợi" - Đó là câu trả lời mà anh T. nhận được sau gần 2 tháng đưa hộ chiếu cho một người đàn ông Việt Nam anh giao dịch qua TikTok, Facebook để gia hạn visa lao động tại Malaysia với chi phí khoảng 25 triệu triệu VNĐ.
Sau khi nhận ra mình bị lừa, anh đã đăng tải các nội dung giao dịch lên mạng, ngay sau đó một số người cũng là nạn nhân tương tự đã nhắn tin cho anh. Lúc này, họ chỉ mong muốn có thể lấy lại được hộ chiếu.
Anh Nguyễn T. (người Việt tại Malaysia) cho biết: ''Phần lớn những người chọn dịch vụ làm giấy tờ trên mạng bên này đều là lao động chui và thiếu hiểu biết về pháp luật vì vậy, khi bị lừa mình sẽ không những mất tiền, mất giấy tờ cá nhân, thậm chí còn bị trục xuất về nước nếu bị cơ quan chức năng phát hiện''.
Tại Canada, thời gian gần đây, anh Quý thường xuyên nhận được các cuộc gọi từ những số lạ tự xưng là cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada yêu cầu phối hợp giải quyết các vụ việc tại Việt Nam. Do thường xuyên đọc tin tức về các vụ lừa đảo, anh Quy đã gọi điện trực tiếp đến Đại sứ quán xác minh. Nhưng không phải ai cũng có được sự cảnh giác như anh Quý.
''Khi thông tin cá nhân bị đánh cắp thì nạn nhân có thể phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng. Kẻ gian có thể dùng số bảo hiểm xã hội của bạn để khai thuế gian lận hoặc là nhận trợ cấp Chính phủ thay bạn. Thông tin cá nhân bị dùng cho các giao dịch rửa tiền hoặc là lừa đảo, bạn có thể bị ngân hàng hoặc Chính phủ điều tra'', anh Quý nói.
Còn tại Mỹ, thời gian qua, nhiều bà con người Việt cũng đã trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo đang phổ biến hiện nay như: dẫn dụ nạn nhân truy cập vào các đường link, trang web độc, gây dựng lòng tin để lừa gạt đổi tiền, chuyển tiền về Việt Nam; mạo danh bạn bè người thân để chuyển khoản, vay mượn…
Theo Liên Phạm, người Việt Nam tại Mỹ: ''Nạn nhân của các trò lừa đảo này chủ yếu là người cao tuổi hoặc không rành tiếng Anh và công nghệ cùng với tâm lý thích các dịch vụ trực tuyến để nhanh gọn lẹ''.
Hiện các Đại sứ quán đang tích cực tuyên truyền kêu gọi bà con nâng cao cảnh giác qua việc phát tờ rơi, đăng tải thông tin cảnh báo trên website của Đại sứ quán. Nhưng trên hết vẫn cần tới sự cảnh giác, nâng cao nhận thức từ chính mỗi người trước "muôn hình vạn trạng" các kiểu lừa đảo ngày càng tinh vi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!