Nhiều người bị hội chứng tự hại không thể tự chữa lành

Hoài Lương, Thành Luân-Thứ ba, ngày 23/05/2023 21:25 GMT+7

VTV.vn - Hội chứng tự hại ngày càng phổ biến trong độ tuổi vị thành niên tại Việt Nam. Đáng lo ngại là hầu hết các trường hợp đều không thể chữa lành.

Hội chứng tự hại, tự ngược đãi bản thân (hay self-harm) xuất phát từ rối loạn lo âu, trầm cảm đang âm thầm, lẩn khuất trong cuộc sống, nhất là đối với giới trẻ. Bởi đây là đối tượng chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Họ thường tự gây tổn thương, tự hủy hoại cơ thể để trốn tránh hoặc giải tỏa cảm xúc của mình.

Nhiều người bị hội chứng tự hại không thể tự chữa lành - Ảnh 1.

Đáng báo động là độ tuổi trung bình mắc hội chứng này là 13 và đang ngày càng phổ biến hơn trong độ tuổi vị thành niên tại Việt Nam. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, để nhận diện, điều trị và chữa lành những người có hành vi tự hại là điều không thể.

Cắt tay, rạch đùi, bụng bằng dao lam, uống xà phòng, tự cầm búa đập vào chân, tự đập đầu vào tường là một số hành vi tự hại của một số bạn trẻ. Họ chia sẻ khi nhìn thấy máu chảy ra trên tay thì cảm giác rất là nhẹ nhõm. Có em còn tự đốt bản thân để cảm giác giải tỏa được một cái gì đấy ra khỏi người…

Nhiều người bị hội chứng tự hại không thể tự chữa lành - Ảnh 2.

Những cô bé, cậu bé tuổi teen, chưa hoàn thiện tâm lý, có vấn đề về sức khỏe tâm thần, lại càng cảm thấy đơn độc giữa quá nhiều áp lực từ gia đình, nhà trường và cuộc sống.

Đó là bị cả lớp coi là người vô dụng, trong đấy có cả cô giáo và bố mẹ. Nhiều em ức chế nhiều thứ, có khi từ chính áp lực gia đình mình khi cảm thấy mình không đáp ứng được kỳ vọng mà gia đình đưa ra. Có em còn suýt bị bố mẹ đưa vào trại tâm thần. Có em kéo dài hành vi tự hại trong suốt 14 năm.

Nhiều người bị hội chứng tự hại không thể tự chữa lành - Ảnh 3.

Ca trực của bác sĩ Nguyễn Văn Phi tại Bệnh viện Lão Khoa và Bệnh viên Bạch Mai (Hà Nội) ngày nào cũng có bệnh nhân tự hại, toàn bộ là người trẻ, chủ yếu là học sinh cấp 2, cấp 3. Một nửa số bệnh nhân mà bác sĩ Phi đang điều trị có hành vi tự hại.

Người trầm cảm, đặc biệt có hội chứng tự hại, cần được điều trị tâm lý đều đặn, chưa kể điều trị hóa dược. Mỗi lần tham vấn tâm lý cần tới vài tiếng để người bệnh được chia sẻ, giãi bày. Mỗi tuần 1 lần trong nhiều năm liền.

Nhiều người bị hội chứng tự hại không thể tự chữa lành - Ảnh 4.

Tại các trung tâm tư vấn tâm lý tư nhân, giá dịch vụ tư vấn lên tới 500.000 - 1 triệu đồng/giờ. Ở Việt Nam hiện mới chỉ có duy nhất một đường dây nóng hỗ trợ người tự hại của các tình nguyện viên hoạt động độc lập và miễn phí. Các đường dây thoại gọi đến thường xuyên quá tải, đặc biệt là vào mùa thi cử.

Tự hại để giải tỏa tâm lý, để tự trừng phạt mình nhưng đó cũng là lời kêu cứu thầm lặng mà đa số người ngoài lại không hiểu thông điệp ấy. Đến một cái lúc mà tất cả những việc đấy không thể giúp mình cảm thấy thư giãn được nữa, nạn nhân sẽ chọn cách tự sát.

Nhiều người bị hội chứng tự hại không thể tự chữa lành - Ảnh 5.

Cha mẹ có sẵn sàng chấp nhận con mình có vấn đề tâm lý? Thầy cô có thời gian và đủ kiến thức để tư vấn cho từng học sinh? Đó là những vấn đề đặt ra cho các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục. Còn với người tự hại: "chỉ cần được lắng nghe thôi đã rất đủ rồi!"

Bộ Y tế hiện đang xây dựng một chính sách riêng cho việc cải thiện sức khỏe tâm thần ở trẻ em. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý học đường thành nhiệm vụ trọng tâm trong năm học này. Còn các bậc phụ huynh, hãy dành thời gian để lắng nghe, trò chuyện cùng con. Đừng để ngắt kết nối với con ngay trong chính ngôi nhà của mình, nhất là khi mùa thi quan trọng đang đến gần.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước