Nhiều người bệnh gặp khó khăn khi thiếu vật tư y tế

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 05/07/2022 21:11 GMT+7

VTV.vn - Những ngày qua, việc khó khăn của ngành y tế: thiếu thốn thuốc men, trang thiết bị, vật tư... là câu chuyện được báo chí nhắc đến rất nhiều.

Người gánh chịu những khó khăn trên, không ai khác chính là những người bệnh. Bệnh nhân - những người vốn được thụ hưởng sự chăm sóc của ngành y, sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm y tế. Nay lại là những người bất đắc dĩ phải "thụ hưởng" tất cả những khó khăn ấy.

Mỗi người bệnh là một người chăm, bỏ công bỏ việc đi theo, tốn kém gấp đôi. Hai suất cơm chỉ dám mua một suất có thịt cho người bệnh. Gần 3 triệu cho một phòng trọ mỗi tháng. Gọi là phòng cho sang, chứ thực chất chỉ vừa cái giường. Với những bệnh nhân ung thư nghèo, chờ đợi không chỉ lấy đi tiền bạc của họ, mà còn lấy đi thời gian sống quý giá.

Nhiều người bệnh gặp khó khăn khi thiếu vật tư y tế - Ảnh 1.

28/34 Sở Y tế tỉnh, thành phố và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương có tình trạng thiếu thuốc.

Qua thống kê của Bộ Y tế cho thấy gần 40 bệnh viện Trung ương và Sở Y tế thiếu thuốc, vật tư hóa chất, trang thiết bị y tế.

28/34 Sở Y tế tỉnh, thành phố và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương có tình trạng thiếu thuốc. Gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương trong tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng cho xét nghiệm.

14/34 Sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương thiếu trang thiết bị y tế chuyên sâu như thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang là thực trạng đáng lo ngại có xuất phát điểm từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan trong ngành y tế. Điều đáng nói, sự thiếu vắng nhiều loại dược phẩm trong các cơ sở khám chữa bệnh đã và đang gây ra những hệ lụy trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân. Thực trạng này không chỉ diễn ra tại các bệnh viện tuyến dưới mà ở các bệnh viện tuyến Trung ương kéo dài suốt nhiều tháng qua.

Tại Bệnh viện Bạch Mai những tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân tăng đột biến gấp 4 - 5 lần so với đầu năm. Đồng nghĩa với việc thuốc, vật tư hóa chất và thiết bị y tế phục vụ người bệnh phải cung ứng một cách cấp tốc. Dù đã có sự chuẩn bị nhưng thiếu thuốc, vật tư là điều không tránh khỏi.

Tại TP Hồ Chí Minh, trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư hóa chất - Ủy ban nhân dân TP đã đề nghị tái thiết lập trung tâm mua sắm đấu thầu thuốc, với mục tiêu nhanh chóng có thuốc phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan lại cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, Bộ Y tế cần có một giải pháp căn cơ và xem xét lại toàn bộ chính sách y tế.

Các chuyên gia cho rằng, gốc rễ cho những thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phần nào đến từ tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, không tổ chức đấu thầu sau hàng loạt những sai phạm vừa bị khởi tố, điều tra, xử lý. "Càng khó khăn, phức tạp, càng phải bình tĩnh, đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ" là nhấn mạnh của người đứng đầu Chính phủ để tháo gỡ những khủng hoảng đang xảy ra trong ngành y tế. Bởi những bất cập, những vướng mắc, những sai phạm của ngành y không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của hàng chục nghìn cán bộ nhân viên y tế mà đó còn là ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng của gần 100 triệu người dân Việt Nam.

Cũng tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, trước tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại hầu hết cơ sở y tế trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: Bộ đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài về việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước