Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 24/10/2024 08:03 GMT+7

VTV.vn - Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đã được trình Quốc hội với nhiều điểm mới quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động trong nước và nước ngoài.

Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như là công ước của Tổ chức lao động quốc tế, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải tiếp tục đổi mới. Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Công đoàn hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn. Trong kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét để cho ý kiến về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) với sáu điểm thay đổi lớn so với luật được ban hành năm 2012. 

"Từ thực tiễn tổng kết thi hành Luật Công đoàn, về việc trình dự thảo luật, Tổng Liên đoàn đề xuất ba chính sách mới. Thứ nhất, việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và nâng cao vai trò của công đoàn trong bối cảnh mới. Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật về tài chính công đoàn để đảm bảo công khai, minh bạch và chia sẻ nguồn tài chính cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, khi pháp luật cho phép ra đời tổ chức này. Thứ ba, hoàn thiện các quy định để đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới", ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.

Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) - Ảnh 1.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Vệt Nam cho biết về các điểm mới trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Ông Ngọ Duy Hiểu nhận định, vấn đề thiếu cán bộ công đoàn hiện đang là một thách thức lớn đối với tổ chức công đoàn. Hiện nay, ở tất cả các cấp công đoàn, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở liên tục tăng, trong khi tổ chức công đoàn phải tuân thủ quy định chung về giảm biên chế của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tại các công đoàn cơ sở. Luật Công đoàn đã quy định những nguyên tắc chung nhằm đảm bảo tổ chức bộ máy và cán bộ cho tổ chức công đoàn, bao gồm cả công đoàn cơ sở.

"Trước hết, cán bộ công đoàn phải đảm bảo về số lượng để có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng công đoàn cơ sở, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, nơi rất cần sự bảo vệ của tổ chức công đoàn. Thứ hai, số lượng biên chế hiện tại của công đoàn tương đối thấp so với các đoàn thể khác. Cùng với đó, xu hướng phát triển liên tục của đoàn viên, việc thành lập công đoàn cơ sở mới, cũng như sự cạnh tranh giữa các tổ chức công đoàn đòi hỏi phải đề xuất tăng biên chế, đảm bảo phân chia biên chế phù hợp với từng địa phương", ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm.

Những năm gần đây, hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp đã có nhiều điểm mới và đạt kết quả quan trọng. Hơn 70 % tổng số doanh nghiệp có công đoàn cơ sở đã ký thỏa ước lao động tập thể, 5 năm qua, số cuộc ngừng việc tập thể đã giảm hơn 55 % so với giai đoạn trước đó. Tại nhiều doanh nghiệp đã xuất hiện các mô hình, những cách làm hay, từ đó tìm được tiếng nói chung, hài hòa lợi ích giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.

Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) - Ảnh 2.

Thực đơn bữa ăn của người lao động tại Công ty Mani Hà Nội, được nâng từ 23.000 đồng lên 25.000 đồng/người

"Vấn đề đối thoại trong Luật Công đoàn được quy định tại hai điều: Điều 11 về nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động tại Khoản 6 và Điều 25 tại Khoản 7 về trách nhiệm của người sử dụng lao động. Theo đó, hai bên sẽ tiến hành đối thoại nhằm chia sẻ thông tin và giải quyết các vấn đề chung. Đối thoại cơ bản đã được quy định trong Bộ luật Lao động, vì vậy, Luật Công đoàn chủ yếu xác định lại trách nhiệm của hai bên. Vấn đề đặt ra chính là cách thức tổ chức thực hiện cuộc đối thoại này", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, Khoản 3, Điều 11 của Dự thảo Luật Công đoàn đề cập đến quyền khởi kiện của công đoàn thay mặt cho tập thể người lao động và cá nhân người lao động khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Tuy nhiên, Luật Công đoàn chỉ là một trong số các đạo luật quy định. Ngoài ra, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là Bộ luật Tố tụng dân sự mới là những văn bản pháp luật quy định về trình tự, thủ tục khởi kiện. Sau khi Luật Công đoàn được sửa đổi, các luật khác cũng cần phải nghiên cứu, điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp và thống nhất với Hiến pháp, vốn đã quy định rất rõ rằng công đoàn là đại diện đương nhiên của người lao động.

Những năm qua, công đoàn cũng đã cố gắng, nỗ lực để phát huy trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Ở các cấp công đoàn đã bám sát cơ sở, thường xuyên lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, thiết lập các kênh thông tin đa chiều từ cơ sở và tăng cường hoạt động đối thoại ở nhiều cấp cũng như: chăm lo đời sống cho người lao động, nhất là người lao động khó khăn.

Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) - Ảnh 3.

Mâm cơm đơn giản của những công nhân sinh sống tại Khu Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh

"Có hai quan điểm chính liên quan đến vấn đề phân phối tài chính công đoàn. Quan điểm thứ nhất cho rằng cần phải phân phối tài chính rõ ràng giữa các cấp công đoàn trong luật. Phương án này, do giới chủ sử dụng lao động đề xuất phân chia 75% cho cơ sở và 25% cho các cấp còn lại. Quan điểm thứ hai cho rằng không nên quy định trong luật để tạo sự linh hoạt, nhất là khi tình hình nhiệm vụ có thể thay đổi, công đoàn có thể tự quyết định việc phân phối. Dự thảo Luật lần này lựa chọn phương án không quy định trong luật, nhằm đảm bảo tính linh hoạt và hài hòa, đặc biệt trong bối cảnh có sự ra đời của tổ chức của người lao động tại các doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam", ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá.

Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) - Ảnh 4.

Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh thăm hỏi, tặng quà những lao động có hoàn cảnh khó khăn

Ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ, cần tuân theo nguyên tắc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phép bình đẳng với Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động. Điều này đòi hỏi việc phân chia kinh phí phải được tính toán hợp lý và công đoàn sẽ phải chịu trách nhiệm lớn trong việc này. 

Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp và người lao động, đoàn viên ngày càng tăng, nhiệm vụ của công đoàn càng thêm nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ này, hành lang pháp lý về công đoàn cần phải tiếp tục được hoàn thiện. Nếu như được Quốc hội xem xét thông qua, đây sẽ là dấu mốc rất quan trọng để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động công đoàn nhằm tiếp tục kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn vững mạnh, chuyên nghiệp, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động trong tình hình mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước