Nhiều cơ sở nhà đất công bị bỏ hoang sau sáp nhập đơn vị hành chính

Bảo Linh, Đình Hưng-Thứ ba, ngày 08/08/2023 19:33 GMT+7

VTV.vn - Việc quản lý không hiệu quả, không sử dụng, bỏ hoang nhiều trụ sở cơ quan nhà nước sau sáp nhập đơn vị hành chính gây thất thoát lớn nguồn lực từ nhà đất công sản.

Nằm trên phố Tô Hiệu, quận Hà Đông, TP Hà Nội, trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao với khuôn viên rộng, tòa nhà 3 tầng nhưng hơn 15 năm qua, trong tình trạng "cửa đóng then cài", không một bóng người.

Cùng nằm trên đường Tô Hiệu, cách một ngã tư là trụ sở Cục Thống kê TP Hà Nội cơ sở II, cũng không được sử dụng nhiều năm nay. Tất cả các hạng mục đều xuống cấp nghiêm trọng. Người dân trên con phố này cho biết, một cửa hàng mặt tiền nhỏ mỗi tháng cho thuê cũng được 3-4 triệu đồng, trong khi trụ sở này lại bỏ không nhiều năm qua là một sự lãng phí rất lớn cho Nhà nước.

Nhiều cơ sở nhà đất công bị bỏ hoang sau sáp nhập đơn vị hành chính - Ảnh 1.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trụ sở cơ quan nhà nước bị bỏ hoang sau sáp nhập địa giới hành chính từ tỉnh Hà Tây vào Hà Nội năm 2008. Từ đó cho đến nay, rất nhiều trụ sở của các cơ quan, đơn vị của tỉnh Hà Tây nằm ở quận Hà Đông bị bỏ hoang.

Các cuộc giám sát của các cơ quan chức năng tại Hà Nội cho thấy, không chỉ nhà công sản bỏ hoang mà hàng trăm dự án "ôm đất" vàng của Nhà nước dù đã quá thời hạn triển khai xây dựng tới cả chục năm nhưng vẫn chưa bị thu hồi, gây lãng phí một nguồn lực rất lớn cho Nhà nước.

Theo báo cáo của địa phương, các tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà tại các tỉnh, thành hiện quản lý gần 87.700 cơ sở nhà, đất. Riêng TP Hà Nội có trên 12.000 trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước quản lý sử dụng. 

Qua kiểm tra rà soát, việc quản lý Nhà nước đối với quỹ nhà chuyên dụng vẫn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài. Nhiều trường hợp sai phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật; hiệu quả sử dụng, hiệu quả kinh tế thấp không tương xứng với giá trị và số lượng nhà đất.

Nhiều cơ sở nhà đất công bị bỏ hoang sau sáp nhập đơn vị hành chính - Ảnh 2.

Năm 2022, UBND TP Hà Nội từng phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.700 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất gần 43.800.000 m2, diện tích nhà trên 9.920.000 m2 thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của TP. Nhưng tới thời điểm này, việc quản lý sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của TP vẫn nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong thời gian dài, chưa được xử lý dứt điểm, trong đó có tình trạng khai thác không hiệu quả, bỏ hoang trụ sở cơ quan Nhà nước, gây thất thoát ngân sách.

Hiện tốc độ đô thị hóa tại các địa phương trên cả nước diễn ra rất nhanh trong khi quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch phát triển đô thị thì còn nhiều bất cập, dẫn đến lãng phí nguồn lực tài sản công. Yêu cầu đặt ra là cần có giải pháp để tiếp tục sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới.

Với TP Hồ Chí Minh, sau khi triển khai quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, đến nay, thành phố đã xử lý thu hồi 381 địa chỉ nhà đất công sản với tổng diện tích đất hơn 160 ha. Còn tại Hà Nội, thành phố cũng vừa có văn bản triển khai đề án Quản lý sử dụng và khai thác tài sản công nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

TP Hà Nội dự kiến, đến năm 2025 sẽ hoàn thành sắp xếp lại, xử lý đối với 100% các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố quản lý, đồng thời sẽ chấn chỉnh, quy trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức sử dụng tài sản công, nhà đất công sai mục đích, khắc phục tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm, chuyển đổi hoặc để hoang hoá, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, số tiền thu được từ việc khai thác, xử lý tài sản công, thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất thuộc tài sản công như nhà, đất thường chiếm khoảng 12-14% tổng thu ngân sách hàng năm, tương đương gần 200.000 tỷ đồng.

Con số này sẽ còn lớn hơn nữa nếu các cơ quan từ Trung ương tới địa phương có kế hoạch sắp xếp và sử dụng nguồn tài sản này một cách khoa học. Thực tế cho thấy, có không ít thất thoát lớn từ việc nhà đất công sản bị các cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng để kinh doanh nhưng không nộp tiền thuê đất; trục lợi sử dụng sai mục đích, cho thuê khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước