Minh Toàn – Lê Bá.-Thứ ba, ngày 14/02/2023 15:29 GMT+7
"Giá chung là như vậy…"
Giá bán lẻ điện sinh hoạt có 2 cách áp dụng: Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà) và trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Căn cứ vào Phụ lục của Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ Công Thương quy định như sau:
Giá bán lẻ điện sinh hoạt: (nghìn đồng)
Bậc 1: Cho kWh từ 0-50 1.678
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.734
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.014
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.536
Bậc 5: Cho kWh từ 301 - 400 2.834
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 2.927
Như vậy, căn cứ vào thời hạn hợp đồng lao động, số kWh điện sử dụng, số người ở trong một phòng trọ mà có những giá điện khác nhau, tối đa là 2.927 đồng. Tuy nhiên, giá tối đa thì vẫn là giá tối đa, còn "giá chung" tại nhiều khu trọ đang là khoảng 3.500 – 4.000 đ/số.
Vũ Minh Thu (18 tuổi, sinh viên trường đại học Thăng Long) cho biết: "Em đang ở trọ 3 người, giá điện là 3.800 đ/số và giá nước là 28.000 đ/khối…". Giá điện cao, tuy nhiên do trọ ở gần trường nên Thu vẫn chấp nhận mức thu như vậy ở khu trọ này và vì "đây là giá chung rồi". Thu chia sẻ: "Em thấy 3.800 là hơi cao nhưng vì nhà gần trường nên em tiết kiệm được chi phí đi lại, tiền đó bù vào tiền nước, tiền điện nên đỡ đi phần nào…".
Những hoạt động thường ngày của Minh Thu cũng bị ảnh hưởng bởi giá điện, giá nước (Ảnh: Lê Bá).
Khoảng thời gian đầu mới xuống ở trọ vì giữ những thói quen sinh hoạt như lúc học THPT nên Thu đã phải chi trả một khoản tiền khá lớn cho tiền điện. Do áp lực về giá điện, giá nước mà Thu đã phải từ bỏ những thói quen sử dụng lãng phí trước kia. Thu cho biết, em chỉ dùng điện khi thực sự cần, nếu không thì sẽ tận dụng những gì dùng được hết mức có thể: "Khoảng thời gian đi tắm giữa 2 người đôi khi chỉ là 1-2p em cũng tắt điện để tiết kiệm, hay là bình nóng lạnh em chỉ bật khi nào thực sự rét và không thể tắm bằng nước lạnh được chứ giá điện 3.800 thì lấy đâu ra tiền?".
Nhiều khi Thu chỉ rửa bát 1 lần/ngày để vừa tiết kiệm nước vừa tiết kiệm thời gian. Những hoạt động vốn tốn nhiều nước như rửa bát, giặt quần áo cũng được cắt giảm về mức tối thiểu. Thời gian ở nhà không nhiều và đã tiết kiệm hết mức có thể nhưng tháng nào tiền điện cũng dao động trong khoảng 400 – 450 nghìn/tháng.
Giống với Minh Thu, Nguyễn Hữu Kiên (19 tuổi, sinh viên trường đại học Công Nghiệp) cũng đang thuê phòng tại 1 khu trọ mà giá điện, giá nước cao hơn nhiều so với giá nhà nước đã quy định. Kiên cho biết: "Mình đang thuê trọ với giá là 3 triệu -3,5 triệu đồng tiền phòng, 3.500đ/số điện và tiền nước được tính vào tiền dịch vụ như: 300 nghìn/người/tháng.
Kiên cho rằng mức thu như vậy là hợp lý bởi khu này "giá chung là như vậy" và còn cảm thấy đôi chút may mắn vì "chủ trọ chỗ mình chỉ lấy 3.500 đ/số". May mắn là vậy, tuy nhiên Kiên cũng phải tiết kiệm hết mức có thể. Tắt khi không sử dụng là nguyên tắc sống của Kiên. Nếu có thể tận dụng được ánh sáng mặt trời để thay thế đèn bàn học, Kiên sẵn sàng tắt điện.
Giá điện, giá nước quá quy định của nhà nước được ghi công khai trên hợp đồng và trên các hoá đơn thanh toán (Ảnh NVCC).
Giá chung mà nhiều người cho thuê phòng trọ, căn hộ mini, chung cư mini đưa ra cho giá điện, giá nước thường cao hơn so với giá nhà nước quy định. Và bởi vì xung quanh khu vực, mọi người thuê trọ đều phải chấp nhận giá đó. Nên dễ dẫn đến sự lầm tưởng rằng "giá chung" là hợp lý, là chấp nhận được mà không có sự tìm hiểu rõ ràng trước khi quyết định thuê trọ hoặc trao đổi với người thuê trọ.
Không khó để có thể tìm thấy những phòng trọ, căn hộ mini hay chung cư mini có giá điện, giá nước công khai cao hơn nhiều so với giá nhà nước đã quy định trên các trang mạng. Và trang mạng nào cũng để giá khoảng từ 3.500 – 4.000 đ/số điện, điều này dẫn đến việc mức "giá chung" dần trở thành mức giá "hợp lý" mà giá quy định bỗng nhiên trở thành "giá rẻ".
Liên lạc với số điện thoại được những chủ tài khoản cho thuê phòng gắn trên các bài viết, những người được cho là quản lý hay chủ trọ cho biết: "Giá chung rồi em ơi, ở khu này giá như vậy hết mà…". Có thể nói "giá chung" đang trở thành lời biện hộ hợp lý nhất của các chủ trọ hay những người cho thuê phòng.
Có thể bị xử phạt vi phạm hành chính
Luật sư Hoàng Thị Kim Thương (Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát) cho biết: "Việc các chủ trọ, các chủ căn hộ mini, chung cư mini thu tiền điện nước cao hơn mức cho phép sẽ bị phạt hành chính, cụ thể: Theo Khoản 15 Nghị định 17/2022/NĐ-CP nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí quy định".
Theo đó, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Luật sư Thương khẳng định nếu như đã có sự đồng thuận giữa 2 bên nhưng có vi phạm thì vẫn phải chịu phạt theo quy định của pháp luật (Ảnh: Lê Bá).
Luật sư Thương cho biết thêm: "Mặc dù, giao ước giữa chủ trọ, người thuê trọ được sự đồng ý của hai bên nhưng đã vi phạm điều cấm của pháp luật vì đã lấy giá tiền điện cao hơn so với quy định của luật. Vì vậy, chủ trọ vẫn bị Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. theo quy định tại Khoản 15 Nghị định 17/2022/NĐ-CP." Điều này là do bản chất hợp đồng thuê nhà là một giao dịch dân sự mà khi giao dịch dân sự vi phạm pháp luật thì giao dịch sẽ bị vô hiệu.
Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt những vi phạm này còn nhiều bất cập. Tại nhiều khu trọ, mọi trao đổi đều được thực hiện qua "giao dịch miệng" nên khó khăn trong việc kiểm soát được. Và bởi tiền điện, tiền nước thường được cộng chung với tiền nhà và tiền dịch vụ rồi thanh toán bằng phương thức chuyển khoản do đó rất khó khăn trong việc lưu giữ tư liệu. Tư liệu duy nhất có thể dùng là hợp đồng thuê nhà. Đây cũng là những lưu ý khi những người thuê trọ đưa ra quyết định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!