Nhiều chiêu mạo danh VTV để lừa đảo: Từ giả MC, BTV đến "bản cam kết" dấu đỏ

PV-Thứ ba, ngày 11/06/2024 10:33 GMT+7

VTV.vn - Tầng tầng lớp lớp các chiêu trò lừa đảo trên nền tảng số và thao túng tâm lý theo những kịch bản dựng sẵn luôn đợi những nạn nhân nhẹ dạ cả tin vào tròng…

Liên tiếp xuất hiện chiêu trò lừa đảo, mạo danh VTV

Ngày càng có nhiều nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản, sập bẫy các đối tượng lừa đảo, mạo danh Fanpage các cuộc thi, các chương trình trên Đài truyền hình Việt Nam (THVN).

Nhiều chiêu mạo danh VTV để lừa đảo: Từ giả MC, BTV đến bản cam kết dấu đỏ - Ảnh 1.

Đài THVN đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo giả mạo từ các trang Facebook, Zalo, Telegram giới thiệu cuộc thi như Táo Quân nhí, Duyên dáng áo dài, Chiến sĩ nhí, Học kỳ quân đội, Destination Runway fashion week 2024 có sử dụng logo VTV. Đã có người chuyển tiền cho chương trình Táo quân phiên bản nhí 100 triệu đồng, thậm chí có người tài trợ 1 tỷ đồng cho cuộc thi Duyên dáng áo dài bởi họ tin đây là những cuộc thi do Đài THVN tổ chức. Tuy nhiên, đây chính là những chiêu trò của các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao mạo danh VTV để lừa đảo.

Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Phó trưởng Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam: "Qua những cuộc thi đấy, những người đăng ký tham gia đã phải nộp một khoản tiền không được hoàn lại, các nhóm tội phạm này có rất nhiều chiêu trò gây thao túng tâm lý đối với người dân, trong đó có thể sử dụng những địa chỉ hẹn gặp tại Đài THVN tại 43 Nguyễn Chí Thanh, nhằm tăng niềm tin cho khán giả tiếp tục nộp tiền. Tôi khẳng định rằng Đài THVN không bao giờ tổ chức các sự kiện để thu tiền như thế và tất cả những người mạo danh Đài THVN trên các cuộc thi này đều là giả mạo''.

Ngày 21/5/2024, một người phụ nữ sau khi xem trên Facebook thấy có chương trình Destination Runway fashion week 2024 tuyển chọn và đào tạo người mẫu miễn phí do VTV tổ chức nên đã đăng ký cho con của mình. Một tài khoản tên là Trần Minh Ngọc tự giới thiệu là BTV của Đài THVN đã xác nhận thủ tục tham gia chương trình bằng cách cho chị vào 1 nhóm chung để được hướng dẫn xét tuyển 3 vòng online.

Vòng đầu tiên là ấn vào links (https:/maisononline.vn/products/coach…), chuyển tiền đến số tài khoản 19071210663016, ngân hàng Techcombank, chủ tài khoản là TONG VAN LAM để mua sản phẩm "Túi đeo vai" với mục đích quảng bá sản phẩm của nhà tài trợ. Khi chuyển khoản mua sản phẩm xong thì chị sẽ được hệ thống cập nhật tất toán tiền gốc về tài khoản và phần quà nhỏ từ ban tổ chức.

"Em chuyển 598.000 đồng vào tài khoản, sau đó được hoàn lại 642.000 đồng, sau đó lại mua thêm 1 cái túi là 950.000 và được hoàn về là 2.841.000 đồng. Đến lần tiếp mua 1 sản phẩm 1.999.000 đồng, chúng lại yêu cầu mua thêm 1 sản phẩm là 6.900.000 đồng nữa, tưởng được hoàn lại nhưng lại không được hoàn lại, chúng lại tiếp tục yêu cầu mua thêm 1 sản phẩm là 22.800.000 đồng mới được hoàn lại hết. Khi vay được tiền để nộp tiếp thì hệ thống báo là quá giờ, phải mua thêm sản phẩm khác với giá là 69.000.000 đồng. Cái này là em không có đủ khả năng nữa'', nạn nhân cho biết.

Không thể vay được tiền đóng tiếp người phụ nữ này đã nhắn trong nhóm chung yêu cầu hoàn lại tiền thì được trả lời "Trường hợp của chị không thể xử lý hoàn thành theo đúng yêu cầu của hệ thống thì bắt buộc tạm thời đóng băng tài khoản và phải chờ thời gian 12 đến 24 tháng mới được nhận lại vốn". Đối tượng Trần Minh Ngọc còn "an ủi" đề nghị bỏ 30 triệu tiền túi để hỗ trợ chị mua sản phẩm 69 triệu giúp chị lấy "vốn gốc về".

Nạn nhân cho biết thêm: ''Bạn đó cứ động viên cái này là sản phẩm cuối cùng sau đó hệ thống sẽ tự động tất toán hết cả 3 lần kia. Bạn ấy sẽ cho vay 30 triệu, số còn lại thì em phải tự lo. Bạn bảo đây là 4 thử thách để xem bố mẹ có đồng hành cùng các con không? Trên trang web có quảng cáo là chương trình của VTV, có cả hình ảnh của VTV cho cả mã số báo danh của các con để đăng ký''.

Vì chưa đủ tiền nộp nên hôm nay chị được "Ngọc" hẹn đến Đài THVN 43 Nguyễn Chí Thanh làm việc, giúp chị hoàn thành phần thử thách cuối cùng.

Nhiều chiêu mạo danh VTV để lừa đảo: Từ giả MC, BTV đến bản cam kết dấu đỏ - Ảnh 2.

Tương tự, một trường hợp khác cũng được BTV Hữu Trí hẹn đến Đài THVN để gặp Phó Tổng biên tập Nguyễn Hữu Nghĩa sau khi chuyển tiền cho con tham gia chương trình Học kỳ quân đội để gặp mặt sau khi có nghi ngờ bị lừa đảo từ cuộc thi này.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam, Phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: ''Khi giả mạo các cơ quan tổ chức, chúng đã chuẩn bị rất kỹ về trường hợp người dân sẽ yêu cầu đến gặp những người trong cơ quan tổ chức này. Chúng đã chuẩn bị các kịch bản từ hình ảnh, nơi làm việc, thông tin cá nhân của người đó. Bước hẹn người dân đến nơi làm việc bản chất là đến gần bước lừa cuối cùng, khi người dân thấy có dấu hiệu nghi ngờ rồi thì sẽ hẹn để mong muốn làm việc trực tiếp. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của chúng tôi thì đây chỉ là những chiêu trò tâm lý của các đối tượng để đánh vào lòng tin của người dân''.

Giả mạo các bản cam kết của VTV có dấu đỏ mạo danh Tổng Giám đốc

MC Hữu Trí sau rất nhiều lần giải thích trên trang facebook cá nhân có gắn "tích xanh" khẳng định anh không liên quan đến bất cứ cuộc thi nào do Đài THVN tổ chức có thu tiền của người tham gia chương trình.

''Đến thời điểm này, mặc dù VTV đã cảnh báo trên cả sóng của VTV1, báo điện tử, các nền tảng số trên Facebook Zalo, Tiktok của VTV digital, nhưng vẫn có những người nhắn tin qua Facebook là đã chuyển tiền rồi tại sao lại chặn số điện thoại? Đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình ảnh của tôi để mạo danh và đi lừa đảo số tiền của rất nhiều người, không chỉ ở miền Bắc mà cả miền Nam, miền Trung. Tôi rất cảm thông chia sẻ với những người bị lừa đảo trong câu chuyện này nhưng phải thẳng thắn thừa nhận tôi cũng là một bị hại trong câu chuyện này. Bởi việc tôi bị mạo danh, sử dụng hình ảnh để lừa đảo đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của tôi", MC Nguyễn Hữu Trí, Trung tâm sản xuất và phát triển Nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam nói.

Những CCCD mang tên Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Hữu Nghĩa, và Trần Minh Ngọc... giả danh BTV, MC của Đài truyền hình Việt Nam gửi cho các nạn nhân để chứng minh "người thật, việc thật" được cán bộ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05 khẳng định: Ở góc độ người dân rất khó để phân biệt những bức ảnh này là ảnh CCCD là thật hay giả vì toàn bộ những thông tin này có thể chỉnh sửa được. Tội phạm có thể sử dụng phần mềm tạo ra những CCCD giả này.

Tuy nhiên tội phạm chỉ có thể sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để làm CCCD và thẻ ra vào của Đài THVN giả mạo gửi đến các nạn nhận qua mạng xã hội, chứ không thể làm giả được các CCCD thật có gắn chip vì rất dễ bị phát hiện. Vì thế để củng cố niềm tin cho nạn nhân chúng sẽ tiếp tục chiêu trò giả mạo các bản cam kết của VTV có dấu đỏ mạo danh Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc Trung tâm truyền hình Việt Nam.

Nhiều chiêu mạo danh VTV để lừa đảo: Từ giả MC, BTV đến bản cam kết dấu đỏ - Ảnh 3.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam cho biết thêm: ''Để thực hiện hành vi lừa đảo và đánh vào lòng tin của người dân thì tội phạm sẽ giả mạo các tài liệu phát hành của cơ quan tổ chức đó như những thông báo của VTV, bản cam kết của VTV trong đó có con dấu đỏ. Những nội dung này chúng đều làm giả được từ việc sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh trên không gian mạng. Trong thực tiễn quá trình đấu tranh, những tài liệu này chúng tôi thu được rất nhiều. Thậm chí tội phạm có những công cụ tự động tạo ra những văn bản giả mạo này. Chúng tôi sẽ xử lý các đối tượng theo những hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc làm giả mạo con dấu của cơ quan tổ chức''.

Giải pháp phòng chống lừa đảo trên nền tảng số

Trước rất nhiều sự vụ liên quan đến việc người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng nhiều thủ đoạn và công nghệ ngày càng phức tạp tinh vi, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Quy định từ 1/7/2024 chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng trở lên phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Trường hợp khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu tiên bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.

Với hơn 70 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, các nền tảng mạng xã hội đang là mảnh đất tốt cho quảng cáo bẩn và nội dung giả mạo để lừa đảo trên không gian mạng.

"Cảnh báo lừa đảo qua mạng internet, Cách lấy lại tiền bị treo trên các Sàn-app-web-game-online, Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo, Tố cáo lừa đảo qua mạng internet… sử dụng tính năng chạy quảng cáo để các video, bài viết này thường xuyên xuất hiện khi người dân truy cập mạng xã hội nhằm thu hút người theo dõi, tương tác. Thậm chí, chúng sử dụng nhiều tài khoản giả mạo để bình luận với các bài viết dẫn dụ các nạn nhân vào nhóm "hỗ trợ, thu hồi tiền lừa đảo" với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo. Mục đích chiếm đoạt tài sản lần hai đối với những nạn nhân này.

Nhiều chiêu mạo danh VTV để lừa đảo: Từ giả MC, BTV đến bản cam kết dấu đỏ - Ảnh 4.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng: Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... trên không gian mạng.

Hiện nay, Bộ Công an không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội. Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan Công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước