Nhận diện bẫy lừa đảo trên Telegram

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 19/10/2023 06:17 GMT+7

VTV.vn - Giả danh nhà tuyển dụng, sàn giao dịch, công ty chứng khoán, thao túng tâm lý người dùng, dẫn dụ họ sập bẫy là những chiêu trò lừa đảo mới trên ứng dụng Telegram.

Nhiều chiêu trò lừa đảo mới đang xuất hiện trên ứng dụng Telegram - 1 trong những ứng dụng nhắn tin miễn phí phổ biến nhất trên thế giới, cũng là 1 hệ sinh thái dung túng cho tội phạm mạng hàng đầu thế giới.

Ra đời được 10 năm, Telegram nay trở thành một trong những ứng dụng chat phổ biến nhất thế giới với hơn 700 triệu người hoạt động hàng tháng. Việt Nam nằm trong top 10 thị trường ưa chuộng ứng dụng này, với gần 12 triệu lượt tải năm 2022. Và đến đầu năm nay, 31,5% người dùng Internet tại Việt Nam ở độ tuổi 16 - 64 có sử dụng Telegram. Thời gian qua, ứng dụng này nổi lên như một môi trường hoạt động phổ biến của tội phạm, cách thức phổ biến là đưa nạn nhân vào các nhóm bí mật trên Telegram với "nhiều người cùng cảnh ngộ" để lừa số tiền từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, dù các chiêu lừa không hề mới như: phỏng vấn xin việc, làm nhiệm vụ, mời gọi đầu tư chứng khoán, làm việc từ xa.

"Họ giống như thôi miên về ngôn từ. Cho rất nhiều người vào hỏi bảo bạn vào lâu chưa, bạn nhận được việc chưa, tôi nhận được việc rồi, mai là được việc về. Sau đó mình chuyển số tiền theo cấp số nhân, không còn lý trí, chỉ mong nghe theo họ để lấy lại số tiền mình đã mất. Dù từ trước đến giờ tôi rất cảnh giác" - một nạn nhân cho hay.

Nhận diện bẫy lừa đảo trên Telegram - Ảnh 1.

Những hội nhóm mà những nạn nhân như thế này tham gia có thể hàng chục đến hàng trăm thành viên mà theo điều tra sau đó của công an, đều có vai trò của những đối tượng lừa đảo. Đối tượng có thể chủ động nhắn tin gọi điện nói với người tham gia rằng họ cũng chỉ là người dân bình thường nhưng nhờ tham gia các hội nhóm nên thu nhập có thể lên tới vài trăm triệu đồng sau vài tuần. Nhiều người dân tin theo nên nhanh chóng chuyển tiền.

1 nạn nhân khác của sàn giao dịch chứng khoán giả mạo cho biết, chị bị mất hơn 1 tỷ đồng. Các mã chứng khoán là thật, số tài khoản ngân hàng là thật nhưng theo điều tra đây đều là công ty ma không hoạt động.

Người chơi ban đầu thắng 1 số tiền, đối tượng yêu cầu phải đóng % trên số tiền thắng để rút tiền và rất nhiều lý do như cần phải đóng thuế, báo lỗi hệ thống để thuyết phục người chơi nộp thêm tiền.

Theo lực lượng an ninh mạng, trong nhiều vụ án, khi nạn nhân không còn khả năng vay mượn mới biết mình đã bị lừa.

Mới đây, Telegram vừa bị tạp chí bảo mật CPO magazine đánh giá là "một hệ sinh thái tội phạm mạng trên ứng dụng nhắn tin". Báo cáo của Cyberint cho biết tội phạm mạng gia tăng với tốc độ 100% trên nền tảng này năm 2021. Trong số các thủ đoạn lừa đảo tại Việt Nam, thời gian qua cũng nổi cộm lên chiêu trò kêu gọi người dân tham gia đầu tư tài chính trên các ứng dụng nhưng hóa ra lại mất trắng do ứng dụng giả mạo.

Việc cung cấp một nền tảng cho phép người dùng né tránh sự giám sát đã mang đến nhiều vấn đề cho Telegram. Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức tội phạm sử dụng Telegram để tổ chức các âm mưu khủng bố. Với lý do an ninh quốc gia, nhiều chính phủ trên thế giới tăng cường các giải pháp quản lý ứng dụng này, thậm chí là cấm.

Chính phủ Na Uy đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ các quan chức nhà nước không sử dụng Telegram. Vào tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Na Uy Emilie Enger Mehl cho rằng Telegram gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia, cũng như an toàn xã hội tại nước này. Tuyên bố này được đưa ra sau khuyến nghị từ Cơ quan An ninh Quốc gia Na Uy.

Kể từ ngày 6/8 vừa qua, người dân ở Iraq không thể truy cập Telegram nếu không sử dụng dịch vụ VPN. Biện pháp này được thực hiện theo lệnh do Bộ Truyền thông Iraq ban hành nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu cá nhân của người dùng trước các cáo buộc vi phạm.

Tháng 7 năm 2017, 11 máy chủ liên quan đến Telegram đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia cấm, đồng thời tuyên bố đóng tất cả các ứng dụng Telegram tại nước này, nếu Telegram không đưa ra quy trình vận hành tiêu chuẩn để loại bỏ các nội dung bất hợp pháp. Sau đó 1 tháng, Telegram đã được mở lại với điều kiện phải tự kiểm duyệt các nội dung tiêu cực, chủ yếu là chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.

Chính phủ nhiều nước áp dụng các biện pháp khác nhau nhằm gây sức ép tới nhà điều hành Telegram như phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, chặn quyền truy cập… nhằm ngăn chặn hành vi phạm pháp trên Telegram

Sự ẩn danh và cơ chế phân tán dữ liệu, mã hóa đầu cuối khiến Telegram trở thành môi trường hoạt động yêu thích của tội phạm mạng. Tại Việt Nam, dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi đang được Quốc hội xem xét, trong đó đề xuất đưa các ứng dụng cung cấp nội dung đa phương tiện trên nền tảng là internet, còn gọi là OTT như Telegram vào diện quản lý, nhằm bảo vệ người dùng. Đây là những bước đi chính sách hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhưng xét đến cùng, Telegram hay các ứng dụng bản chất chỉ là công cụ, việc sử dụng cho mục đích tốt hay xấu phụ thuộc phần lớn vào người dùng. Sự tỉnh táo, cẩn trọng và ý thức bảo vệ thông tin cá nhân từ phía người dùng vẫn là yếu tố quyết định để mỗi người tự bảo vệ mình trước tội phạm mạng.

Đại tá Vũ Đình Dũng, Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cùng trao đổi chi tiết hơn về thực trạng này trong chương trình Vấn đề hôm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước