Nguyên nhân sạt lở bờ sông ở ĐBSCL

Phạm Thanh, Quốc Anh, Tài Dũng-Thứ tư, ngày 31/05/2023 20:36 GMT+7

VTV.vn - Thiếu phù sa, khai thác cát quá mức là một số nguyên nhân chính khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL hiện có 555 vị trí sạt lở bờ sông. Trong đó 81 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 137 vị trí sạt lở nguy hiểm. An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang là những điểm nóng về sạt lở, phạm vi, tốc độ sạt lở mạnh, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân.

Nguyên nhân sạt lở bờ sông ở ĐBSCL - Ảnh 1.

Thiếu phù sa là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Trước đây, mỗi năm, vùng châu thổ Cửu Long được nhận từ 140 - 160 triệu tấn phù sa sông Mekong chuyển về, xếp thứ 10 trên thế giới về tải lượng phù sa.

Tuy nhiên, hiện nay, hơn một nửa trong số đó bị mắc kẹt lại trong các hồ chứa trên thượng nguồn. Khi hàm lượng phù sa ít đi, dòng nước nhẹ hơn, bị dư thừa năng lượng, chảy mạnh, xói vào bờ và đáy sông, dẫn đến sạt lở.

Một nguyên nhân nữa phải kể đến là khai thác cát quá mức. Theo số liệu của Ủy hội sông Mekong, lượng cát từ thượng nguồn bồi đắp cho ĐBSCL hiện nay chỉ khoảng nửa triệu tấn/năm. Trong khi lượng cát đang khai thác ở ĐBSCL từ 27 - 40 triệu tấn/năm. Như vậy, cán cân "bồi đắp cát và lấy cát đi" ở ĐBSCL đang bị mất cân bằng nghiêm trọng.

Thiếu phù sa, khai thác cát quá mức khiến lòng sông ngày càng sâu hơn, bờ sông cao, nặng và dốc hơn, dễ dàng đổ sụp xuống, nuốt chửng đất đai, nhà cửa của người dân.

Trong tương lai, lượng cát, lượng phù sa về ĐBSCL sẽ ngày càng ít đi. Khi đó, sạt lở sẽ còn đến nhanh hơn, phức tạp hơn hiện nay. Do vậy, các giải pháp phòng chống sạt lở càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết để bảo vệ đất đai, tài sản của người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước