Có những khu phố ẩm thực đêm nổi tiếng tại Hà Nội, 12h đêm vẫn tấp nập nhộn nhịp.… Những người trẻ đến đây để làm gì?
Bạn Trần Minh Phương, Hưng Yên chia sẻ: "Mình thường đến đây từ 12 giờ đến 4h sáng. Ở nhà mình không học được, với đêm học mới vào nên mình chọn đi ra ngoài để tập trung hơn ở nhà".
Bạn Nguyễn Mạnh Đạt ở Hà Nội thì tâm sự: "Ban ngày mình đi học đi làm, nên mình chỉ có thời gian ban đêm thôi. Ở nhà chán quá nên mình phải tự mua vui cho mình".
Trao đổi với phóng viên, bạn Đỗ Thanh Lan, cũng ở TP. Hà Nội cho biết thêm: "Giới trẻ của bọn mình hiện tại có xu hướng ban ngày ngủ, ban đêm đi chơi. Mình sẽ hoàn thành công việc lúc buổi chiều xong buổi tối mình đi chơi. Mình rất thích ban đêm vì nó yên tĩnh...".
Như một vòng luẩn quẩn, thức đêm, ngày khó tập trung, dùng chất kích thích để tỉnh táo hơn và rồi lại khó ngủ vào ban đêm nên dậy chơi hay làm việc, để rồi buổi sáng tiếp tục mệt mỏi…
18 tuổi, 21 tuổi, những bạn trẻ này đủ kiến thức để hiểu: Việc duy trì thói quen thức đêm và lịch sinh hoạt bất thường sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình như thế nào. Nhưng rõ ràng, cách mà họ đang thay đổi lại là sai càng thêm sai.
Bác sĩ Đoàn Thị Huệ, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Nhịp sinh học bình thường là thức ngày ngủ đêm, nếu ngược lại, thức đêm lâu sẽ gây ra rối loạn lo âu, trầm cảm…".
1 người trưởng thành (từ 18 - 64 tuổi) cần ngủ từ 7 - 9 giờ/ngày. Tất nhiên, đó là theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, còn có thực hiện được không là tùy vào lựa chọn của mỗi người. Chỉ biết rằng: Sức khỏe của ai rồi cũng sẽ bị bào mòn dần và tốc độ nhanh hay chậm là do thói quen sinh hoạt của mỗi người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!