Hầu như ngày nào cũng có trường hợp điều trị sán não tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
Một người đàn ông 68 tuổi đã điều trị sán não từ 10 năm trước. Lúc ấy, ông đã được bác sĩ giải thích nguyên nhân là do sở thích ăn tiết canh của mình. Dù đã bỏ hẳn món khoái khẩu đó nhưng bệnh vẫn tái phát. Lần này là lần thứ 3, vẫn với triệu chứng nổi nốt dưới da, co giật, sùi bọt mép cùng những cơn đau đầu dữ dội, trí nhớ suy giảm vì tổn thương não.
Còn bệnh nhân 36 tuổi ở Bắc Giang, gần 3 năm điều trị đau đầu, giờ mới phát hiện nhiễm ấu trùng sán lợn ở não.
Bệnh viện Đặng Văn Ngữ vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp sán trên não tương tự. Nhiều bệnh nhân còn phát hiện cả ở não, cơ và đáy mắt, gây nhức mắt, giảm thị lực.
Bệnh về ký sinh trùng thường diễn biến âm thầm. Không ít bệnh nhân khi thấy người yếu, có cơn co giật mới đi khám, chưa kể bị chẩn đoán nhầm động kinh, tai biến… Khi đến chuyên khoa điều trị các bệnh ký sinh trùng, nó đã tấn công lên não và phải chịu di chứng kéo dài.
Nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán chủ yếu qua đường ăn uống không đảm bảo vệ sinh, nhất là thói quen ăn đồ sống, chưa chín như tiết canh, nem chạo, thịt tái... Thông thường, ấu trùng chỉ chết khi được đun sôi kỹ. Vì vậy, cách phòng bệnh, tốt nhất là ăn chín, uống sôi và tẩy giun sán 6 tháng/lần.
Nhiều người cho rằng, khi ăn đồ sống, tiết canh thì vắt chanh sẽ diệt giun sán ký sinh. Quan niệm này hoàn toàn không đúng bởi nước chanh không có tác dụng đó. Khi nhiễm ấu trùng vào ruột, nó sẽ phát triển thành sán, đi vào máu, dần làm tổn thương các cơ quan, điển hình là làm tổ trong não.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!