Nguy cơ gãy xương kèm biến chứng nguy hiểm do loãng xương

Lục Bảo-Thứ ba, ngày 09/05/2023 11:22 GMT+7

Người bệnh được thực hiện bơm cement sinh học. Ảnh: BVCC

VTV.vn - Người bệnh đau cột sống thắt lưng nhiều năm, phát hiện mắc loãng xương sau té ngã và được điều trị cải thiện sau 1 tuần.

Sau 20 ngày điều trị bằng thuốc giảm đau thông thường không cải thiện do bị ngã trên nền cứng, bà Nguyễn Thị Hằng (83 tuổi, Thái Nguyên) thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội vào cuối tháng 4/2023. Người bệnh có tiền sử đau cột sống thắt lưng hơn 10 năm. Tình trạng đau tăng mạnh khi vận động, đau lan sang vùng bụng 2 bên, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống và tinh thần của người bệnh.

Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy người bệnh bị loãng xương nặng, xẹp đốt sống T10-T12 sau ngã. Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng thấy tình trạng thoái hóa cột sống, xẹp phù tủy xương thân đốt sống, phồng đĩa đệm có chèn ép rễ thần kinh.

Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp cho biết, người bệnh bị loãng xương nguyên phát, là bệnh tiến triển âm thầm. Do mãn kinh hoặc tuổi tác, quá trình chuyển hóa xương có nhiều biến đổi khiến mật độ xương càng giảm. Người bệnh dễ bị gãy xương dù chỉ với chấn thương nhẹ.

Tình trạng của bà Hằng được điều trị tích cực với các loại thuốc đặc trị, thuốc loãng xương và thuốc chống hủy xương. Để tránh các biến chứng có thể gặp phải do loãng xương như nguy cơ gù, trượt đốt sống, bác sĩ thực hiện tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học. Sau 2 ngày, người bệnh phục hồi vận động, giảm đau rõ rệt và được xuất viện.

Theo BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Thần kinh Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bơm cement sinh học được xem là một trong những phương pháp ít xâm lấn, tăng hiệu quả trong điều trị gãy, lún, xẹp đốt sống do loãng xương. Sau khi gây tê, bác sĩ đưa kim đi qua các phần mềm ở lưng vào đốt sống. Dưới hướng dẫn của thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại, bác sĩ thuận lợi chích kim vào đúng vị trí có đốt sống gãy, bơm cement vào bên trong giúp trám kín các đường gãy. Các mảnh vỡ gắn kết thành một khối sau khi cement khô giúp người bệnh giảm đau khi vận động.

Nguy cơ gãy xương kèm biến chứng nguy hiểm do loãng xương - Ảnh 1.

Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa thăm khám tại khoa Cơ xương khớp. Ảnh: BVCC

Trước đây, người bệnh bị loãng xương phải nằm bất động và mang nẹp khi gãy hoặc phẫu thuật để nẹp vít vào xương sống. Cuộc mổ cố định nẹp vít với người cao tuổi có thể gây mất máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng hậu phẫu nguy hiểm đến tính mạng. So với phương pháp truyền thống, tạo hình đốt sống gãy bằng cement sinh học giúp người bệnh không phải nằm lâu, giảm nguy cơ biến chứng chèn ép thần kinh do di lệch mảnh vỡ, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.

Phó giáo sư Hồng Hoa lưu ý, người bệnh bị loãng xương nguyên phát hay thứ phát (do thuốc hoặc do bệnh lý khác) nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn tới nứt gãy ở thân đốt sống, gây biến dạng cột sống, gù vẹo, chèn ép gây nứt vỡ các đốt sống lân cận. Loãng xương lan tỏa không được điều trị đúng cách, kịp thời tăng nguy cơ gãy các xương khác, đặc biệt là cổ xương đùi, ảnh hưởng đến vận động và chất lượng sống của người bệnh.

Với các trường hợp không được tầm soát sớm, vào viện khi đã bị gãy xương cần điều trị tích cực, toàn diện với sự kết hợp đa chuyên khoa, giữa nội khoa, ngoại khoa, phục hồi chức năng nhằm tối ưu phương pháp, rút ngắn thời gian điều trị, cải thiện triệu chứng, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm giúp người bệnh trở lại với sinh hoạt thường ngày sớm nhất.

PGS Đặng Hồng Hoa khuyên, khi có các triệu chứng như đau lưng không giảm, đau nhức dọc xương dài, đau cột sống thắt lưng, xương chậu, giảm chiều cao cơ thể, gù, biến dạng cột sống…, cần thăm khám tầm soát loãng xương. Để phòng ngừa bệnh, mọi người nên bổ sung canxi và vitamin D bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, thuốc với sự tư vấn của bác sĩ. Vận động thường xuyên không chỉ giúp xương chắc khỏe, tăng sức mạnh cơ bắp mà còn tạo sự cân bằng cơ thể, giảm nguy cơ té ngã. Với những người bị loãng xương, bên cạnh chế độ dinh dưỡng, tập thể dục với các bài tập phù hợp, cần lưu ý các kỹ thuật phòng ngừa té ngã giúp giảm nguy cơ gãy xương.

20h ngày 9/5, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Loãng xương, từ nội khoa đến ngoại khoa". Chương trình nhằm cung cấp thông tin về bệnh, dấu hiệu nhận biết, phương pháp chẩn đoán, cách điều trị và phòng ngừa loãng xương.

Các chuyên gia nhiều kinh nghiệm của khoa Cơ xương khớp và Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình tham gia gồm: TTƯT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa – Trưởng khoa Cơ xương khớp, PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Thủy – Bác sĩ Khoa Cơ xương khớp, BS.CKI Trần Xuân Anh – Trưởng khoa Thần kinh Cột sống, TT Chấn thương Chỉnh hình.

Độc giả có thể gửi câu hỏi tại bài viết này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước