Nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng cao do đâu?

Kim Thành-Thứ hai, ngày 29/05/2023 19:50 GMT+7

Chương trình tư vấn trực tuyến "Đau đầu, mất ngủ và nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi"

VTV.vn - Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi bị đột quỵ với các yếu tố nguy cơ gần giống ở người trung niên và cao tuổi, trong đó đặc biệt là mắc các bệnh nền.

Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn trực tuyến "Đau đầu, mất ngủ & nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi" diễn ra vào tối 26/5 vừa qua do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Báo điện tử VTV.vn tổ chức. Chương trình thu hút hơn 40.000 lượt xem trực tiếp, xem lại cùng hàng trăm câu hỏi gửi về.

TS.BS. Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, nếu như trước đây người mắc đột quỵ chiếm tỷ lệ cao ở độ tuổi 60-65 thì nay căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ chiếm từ khoảng 15%. Ngoài yếu tố dị dạng mạch máu, u não, phần lớn người trẻ đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ giống người lớn tuổi như tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì.

Một nghiên cứu từ 2017 - 2019 cho thấy, tỷ lệ béo phì ở người trẻ cao hơn cả người lớn tuổi. Người trên 60 tuổi có tỷ lệ béo phì khoảng 6%, nhưng người dưới 40 tuổi tới 12%. Trong 8 người tăng huyết áp có một người dưới 40 tuổi. Tiểu đường type 2 trước đây chỉ có ở người trên 40 tuổi, nhưng nay người trẻ từ 18 - 20 tuổi cũng chiếm tỉ lệ tăng huyết áp rất cao.

Bên cạnh đó, áp lực từ cuộc sống cùng với các thói quen thiếu khoa học như lười vận động, thiếu ngủ, ăn nhiều chất béo bão hòa, đường, mỡ động vật, lạm dụng rượu bia… cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý nền dẫn đến đột quỵ ở người trẻ.

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu - Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chỉ ra rằng, chứng đau đầu, mất ngủ và đột quỵ đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi. Nhân viên văn phòng, người làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp,... chiếm phần lớn trong số ca bệnh đến khám vì đau đầu, mất ngủ. Trong số đó, nhiều người được phát hiện có nguy cơ đột quỵ sau khi thực hiện các chỉ định chụp chiếu tầm soát.

Bạn Trần Như Quỳnh đặt câu hỏi: "Những yếu tố nào làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi?", TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức cho biết, người trẻ tuổi bị tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, dị dạng mạch máu, u não, mắc bệnh tim bẩm sinh... là nhóm đối tượng có nguy cơ đối mặt với chứng đột quỵ. Bên cạnh đó, việc lạm dụng bia rượu, chất kích thích… cũng làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Khán giả Trung Kiên hỏi: "Vì sao người mất ngủ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn bình thường, mối liên quan giữa hai bệnh lý này ra sao?", ThS.BS Nguyễn Thị Hải Yến - Khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội giải đáp: Chưa có nghiên cứu chỉ ra rằng mất ngủ là nguyên nhân trực tiếp gây đột quỵ. Thế nhưng, mất ngủ sẽ làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ. Vì giấc ngủ vốn có cơ chế giúp hệ tim mạch, miễn dịch... hồi phục. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ làm gia tăng biến cố về tim mạch, dễ dẫn đến đột quỵ.

Nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng cao do đâu? - Ảnh 1.

Một ca cấp cứu đột quỵ khẩn tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu cho thấy, so với những người không bị mất ngủ, nguy cơ gặp chứng đột quỵ nhồi máu não, đột quỵ tắc mạch não, đột quỵ chảy máu não, đột quỵ chảy máu màng não... ở nhóm người mất ngủ có tai biến mạch máu não cao hơn gấp nhiều lần.

Giải đáp thắc mắc "Đau đầu, mất ngủ như thế nào là nguy hiểm, cần đi thăm khám?" của bạn Thu Thảo, TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu cho biết: Nếu tình trạng đau đầu xảy ra thường xuyên ở một vị trí, dùng thuốc không khỏi kèm theo chứng mất ngủ kéo dài thì đó là dấu hiệu nguy hiểm, cần đi thăm khám sớm. Ngoài ra, người bệnh đau đầu, mất ngủ cũng phải cảnh giác khi thấy mí mắt sụp xuống bất thường, bị nôn ói, khó chịu ở cổ, gáy...

Khán giả Thanh Minh đặt ra câu hỏi: "Chứng đau đầu, mất ngủ, đột quỵ sẽ được tầm soát, chữa trị như thế nào? Trung tâm tầm soát, cấp cứu đột quỵ của Bệnh viện Tâm Anh có những ưu điểm gì?". TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu giải đáp: Người bệnh đau đầu, mất ngủ sẽ được thăm khám trực tiếp và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp MRI, CT… để định hướng ban đầu xem nguyên nhân đến từ đâu. Nếu nguyên nhân là do các bệnh lý về tuyến giáp, thận, tiểu đường, tổn thương ở hệ thần kinh... thì bác sĩ sẽ theo dõi, chỉ định giải quyết vấn đề một cách tối ưu, có thể can thiệp bằng kỹ thuật tiên tiến hoặc dùng thuốc.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khi tầm soát đột quỵ người bệnh sẽ được khám sàng lọc, hỏi về tiền sử bệnh... và thực hiện thêm những chỉ định cận lâm sàng cần thiết. Ví dụ điển hình là chụp MRI 3 Tesla cho phép quan sát rõ cục máu đông, huyết khối tĩnh mạch, túi phình mạch máu, các dị dạng mạch máu, tĩnh mạch... Người bệnh cũng có thể được chỉ định chụp CT 768 lát cắt. Qua đó, bác sĩ sẽ phát hiện, chẩn đoán bệnh đột quỵ từ những tổn thương nhỏ nhất đồng thời tầm soát được tình trạng xuất huyết não, dị dạng mạch máu, phình mạch máu,...

TS.BS Minh Đức chia sẻ thêm, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, y lệnh khẩn "Code stroke" sẽ được kích hoạt khi có người bệnh cấp cứu đột quỵ. Khi đó, các liên chuyên khoa cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, thần kinh... sẽ nhanh chóng kết nối, mở lối đi riêng cho người bệnh. Ngay tại phòng cấp cứu, người bệnh sẽ được bác sĩ kiểm tra, đánh giá dưới sự hỗ trợ của các máy móc di động và chụp CT/MRI theo luồng ưu tiên. Bác sĩ sẽ đọc kết quả hiện trên màn hình, hội chẩn, xử lý can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết ngay tại phòng chụp.

"Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ là 3 - 4,5 giờ hoặc mở rộng lên 6 - 24 giờ đầu kể từ lúc khởi phát triệu chứng. "Tiêu chuẩn kim cương" trong cấp cứu đột quỵ cấp từ lúc người bệnh nhập viện đến khi được can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết (gọi là cửa sổ cửa kim) của Tổ chức WSO Angels Awards (Mỹ) là dưới 45 phút.

Với quy trình "Code stroke" chặt chẽ, Bệnh viện Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh đã can thiệp thành công bằng thuốc tiêu sợi huyết cho nhiều ca đột quỵ chỉ trong 30 phút, thậm chí 20 phút. Tùy trường hợp, người bệnh cũng có thể được cấp cứu đột quỵ bằng kỹ thuật hiện đại như can thiệp nội mạch lấy cục máu đông hoặc bít tắc mạch máu đang bị vỡ với máy DSA, phẫu thuật não lấy máu tụ bằng robot…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước