Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam luôn hiện hữu

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 29/04/2021 13:41 GMT+7

VTV.vn - Dịch COVID-19 tuy chưa tái bùng phát ở nước ta nhưng nguy cơ thì luôn hiện hữu.

Tuy các đợt tấn công mới của virus SARS-CoV-2 về cơ bản vẫn ở phía bên kia biên giới nhưng sức nóng của dịch bệnh tại Campuchia, Lào hay Thái Lan có lẽ đã tỏa đi nhiều nơi, trong đó có Việt Nam bởi nước ta có đường biên giới trải dài giáp với các điểm nóng dịch bệnh trong đợt bùng phát mới này. Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào nước ta có thể xảy đến bất kể lúc nào.

"Những ngày gần đây, diễn biến dịch ở Campuchia hết sức phức tạp. Chính vì thế, nguy cơ dịch hiện hữu từ Thái Lan, Campuchia, Lào và một số nước đang ở mức rất cao. Cả người nhập cảnh trái phép và thậm chí là không trái phép thì vẫn ghi nhận ca mắc COVID-19. Có đoàn 11 người thì có tới 10 người dương tính với virus SARS-CoV-2. Chính vì thế, Chính phủ đặt biên giới Tây Nam ở diện bùng phát dịch ở mức độ cảnh báo" - GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế - nói.

Cũng trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo: Việt Nam đang đứng trước nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4. Đáng lo ngại hơn, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thực tiễn tại nhiều nước trên thế giới đã cho thấy các đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn các lần trước. Luôn luôn chủ động phòng dịch, tại Việt Nam, dù lúc dịch căng thẳng hay dịu bớt, thông điệp 5K của Bộ Y tế vẫn liên tục được khuyến cáo. Tuy nhiên, một bộ phận người dân dường như đã quên đi thông điệp này.

Một bộ phận người dân lơ là với quy định phòng dịch

Thông điệp 5K, những điều mà ai cũng đã từng thuộc, bây giờ chỉ là những cái lắc đầu.

- Phóng viên: Em có thuộc thông điệp 5K không?

- Im lặng

- Em không nhớ

- Em chỉ nhớ 1, 2 ý thôi

Tại phố đi bộ quanh Bờ Hồ, những tấm biển khuyến cáo phòng chống dịch bệnh có ở khắp nơi. Thế nhưng treo biển là việc của cơ quan chức năng, có thực hiện hay không lại là chuyện khác. Ngay cả những người làm nhiệm vụ còn không thực hiện quy tắc phòng dịch thì sao có thể nhắc nhở được người dân. Điều đáng nói đây không phải những hành động vô tình mà hoàn toàn chủ động.

Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam luôn hiện hữu - Ảnh 1.

Thành quả chống dịch của cả nước bây giờ lại trở thành lý do để nhiều người dân chủ quan trong công tác phòng dịch.

Không riêng tại Hà Nội, hình ảnh hàng nghìn người dân chen chúc, không đeo khẩu trang cũng không hiếm gặp tại các lễ hội, các khu du lịch khác trong cả nước những ngày gần đây khi mùa du lịch đang đến gần, ngay cả ở những địa bàn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp trong thời gian qua như ở Phú Quốc. Hôm nay là 29/4, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã cận kề và nhu cầu du lịch năm nay được nhận định gia tăng đột biến.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch trong mùa du lịch

Đến thị trấn Dương Đông, thành phố Phú Quốc, không khó để bắt gặp những hình ảnh du khách chen nhau, đứng, ngồi chật kín và cũng thật khó để tìm thấy cảnh người dân đeo khẩu trang dù khi được hỏi thì ai cũng mang theo.

- Đợt vừa rồi dịch cũng êm êm rồi nên mình không sợ lắm.

- Anh có nghĩ là khi mình đi du lịch đông người thế này thì có cần đeo khẩu trang không?

- Mình chắc chắn là sẽ đeo khẩu trang, lúc nào cũng có đeo khẩu trang đấy, chẳng qua là vừa ăn xong… (Cười).

- Em có nghĩ là đến chỗ đông người thế này thì cần đeo khẩu trang không?

- Em nghĩ là cũng nên nhưng vừa chụp ảnh nên em bỏ ra.

Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam luôn hiện hữu - Ảnh 2.

Có thể thấy sự chủ quan với dịch bệnh xuất hiện khắp mọi nơi trên địa bàn thành phố Phú Quốc, từ những địa điểm vui chơi sang chảnh hay những nơi tham quan truyền thống. Khách du lịch có tâm lý chủ quan, các chủ phương tiện vận chuyển khách du lịch cũng chiều khách nên chả mấy ai đeo khẩu trang, ngay cả các hướng dẫn viên du lịch khi dẫn đoàn cũng không đeo khẩu trang. Các lái xe thường xuyên đưa đón khách du lịch cũng chẳng ai đeo khẩu trang…

Nhiều điểm tham quan công cộng đông người ở thành phố Phú Quốc cũng khó tìm thấy những hướng dẫn thực hiện 5K.

Không chỉ ở Phú Quốc, tại một thành phố biển khác, người dân cũng đang quên đi thói quen cứ ra ngoài là đeo khẩu trang như trước kia. Càng về chiều, biển Nha Trang càng đông người, nắng nóng ai cũng muốn ra biển, nhưng điều khó hiểu là chính ở nơi công cộng như thế, rất nhiều người cho rằng không cần phải đeo khẩu trang.

Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam luôn hiện hữu - Ảnh 3.

Tại bến xe Miền Đông, TP Hồ Chí Minh, tình trạng người dân bỏ quên việc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng cũng không hiếm gặp. Mặc dù Ban quản lý bến xe đã dán nhiều thông báo yêu cầu hành khách vào trong bến phải đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn nhưng việc chấp hành chưa thực sự nghiêm túc.

Ở một khu hội chợ khác, sự đông đúc và tiếp xúc gần cũng vẫn diễn ra tấp nập, ít có sự xuất hiện của chiếc khẩu trang. Không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách khi tiếp xúc gần, người bán và người mua hàng vô tư ngã giá tại khu vực mua sắm, khi phóng viên hỏi nguyên nhân thì mỗi người một lý do.

Trước nguy cơ dịch xâm nhập và tái bùng phát, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương hạn chế hoạt động đông người, đặc biệt trong dịp lễ 30/4 - 1/5 sắp tới.

Các địa phương dừng nhiều hoạt động tập trung đông người dịp nghỉ lễ

Tại thành phố Hạ Long, 19 sự kiện lớn có thể giúp mỗi ngày thu hút trên 25.000 khách du lịch nhưng đều đã hủy bỏ, đặc biệt là những chương trình diễu hành đường phố rất được khách du lịch và người dân chờ đợi.

Ông Vũ Hồng Sơn - Chủ tịch HĐND thành phố Hạ Long - cho hay: "Chúng tôi xác định kích hoạt lại cả các tổ COVID cộng đồng, rồi tính đến phương án khu vực nào diễn ra dịch đều đã được chuẩn bị kĩ".

Tại Hà Nội, ngay sau khi yêu cầu thắt chặt phòng dịch COVID-19 được ban hành, các lực lượng liên ngành đã đi nhắc nhở, giám sát người dân tại các khu vực công cộng trong việc đeo khẩu trang.

Đề phòng lây nhiễm chéo, việc kiểm tra các khách sạn hiện đang làm cơ sở cách ly có thu phí cũng được thực hiện đột xuất để tăng cường quản lý tốt các trường hợp nhập cảnh.

Bác sĩ Trần Xuân Phát - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm - cho biết: "Trên địa bàn quận chúng tôi có 5 khách sạn đang làm địa điểm cách ly tập trung, hiện vẫn đang thực hiện nghiêm theo quy định các vòng một, vòng hai, vòng ba từ y tế, an ninh, đưa đón từ cửa khẩu…".

Cũng như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội sẽ tạm dừng các lễ hội, phố đi bộ và kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch COVID-19. Các sở, ngành, đơn vị chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có ca dương tính, các ban chỉ đạo sẵn sàng ứng phó ở mức độ cao nhất khi có dịch bệnh.

Trước nghỉ lễ, các địa phương nâng mức cảnh giác cao nhất với dịch COVID-19 Trước nghỉ lễ, các địa phương nâng mức cảnh giác cao nhất với dịch COVID-19

VTV.vn - Các địa phương tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất, huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19, nhất là kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước