Ảnh minh họa. Ảnh: Chinhphu.vn
Những vụ cháy rừng xảy ra đều ở vùng núi hiểm trở, phương tiện chuyên dụng chữa cháy khó tiếp cận hiện trường, trong khi lực lượng ứng cứu và phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu nên hậu quả rất nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 17/5, một vụ cháy rừng trồng 7 năm tuổi xảy ra ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh. Giữa trưa, ngọn lửa bất ngờ bùng cháy dữ dội tại khu vực rừng trồng thuộc Tiểu khu 592A và nhanh chóng cháy lan rộng. Khoảng 100 cán bộ bảo vệ rừng và người dân địa phương, với phương tiện công cụ thô sơ phải mất một ngày đêm mới khống chế, dập tắt hoàn toàn vụ cháy. Hậu quả, vụ việc khiến khoảng 18 ha rừng (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải quản lý) bị cháy, trong đó có hơn 10 ha rừng trồng bị cháy rụi, nhiều ha rừng bị ảnh hưởng đến chất lượng gỗ. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do bom mìn sót lại sau chiến tranh phát nổ.
Ông Hoàng Duy Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cho biết, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ hơn 21.000 ha đất và rừng, thuộc địa bàn các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) và Linh Trường (huyện Gio Linh) đang có nguy cơ cháy rừng rất cao trong mùa nắng nóng. Diện tích rừng được giao quản lý rộng lớn nhưng đơn vị chỉ có 17 người chuyên trách bảo vệ rừng. Từ đầu mùa nắng nóng 2023, lực lượng bảo vệ rừng đã phải "căng mình" ở các chốt trực 24/24 giờ, tăng cường tuần tra, tuyên truyền, phòng chống cháy rừng.
Theo ông Trần Hiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, do lực lượng bảo vệ rừng mỏng, phương tiện chữa cháy chủ yếu là công cụ thô sơ khiến việc khống chế các vụ cháy mất nhiều thời gian, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cháy và lan rộng...
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, nguy cơ cháy rừng là rất cao. Địa hình rừng núi hiểm trở, đi lại phức tạp nên khi xảy ra cháy, các phương tiện chuyên dụng chữa cháy tiếp cận hiện trường rất khó khăn, do đó đơn vị quản lý, bảo vệ rừng chủ yếu triển khai chữa cháy từ xa, tạo đường băng, đường ranh cản lửa. Quan trọng nhất phải phát hiện sớm vụ cháy, triển khai giải pháp phòng ngừa là chủ yếu, ông Trần Hiệp nhấn mạnh.
Quảng Trị hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển rừng là 286 ngàn ha, chiếm 60,8% diện tích toàn tỉnh; độ che phủ rừng đạt 49,9%, trong đó có 112.000 ha rừng trồng. Phần lớn diện tích rừng ở đây có thảm thực dày, rải rác có bom mìn sót lại sau chiến tranh nên rất nguy hiểm trong mùa nắng nóng. Khi xảy ra cháy rừng, khả năng cứu chữa rất khó khăn.
Từ đầu tháng 5/2023 đến nay, trên địa bàn Quảng Trị xảy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, kèm theo gió phơn Tây Nam khô nóng, nguy cơ cháy rừng luôn thường trực. Ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn ngừa cháy rừng như đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ, tăng cường kiểm tra khu rừng trọng điểm, kiểm soát nghiêm nguồn lửa đem vào rừng. Lực lượng chức năng yêu cầu các hộ nhận khoán trồng rừng xử lý lớp thực bì đúng kỹ thuật, xử lý bờ ranh, bờ lô, đảm bảo không để cháy lan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!