4 nền đất của gia đình ông Nguyễn Hồng Nam (tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) được Nông trường An Hạ cấp cho ở và canh tác, sử dụng ổn định từ năm 1985 đến nay.
Như Báo điện tử VTV News đã có bài viết phản ánh trường hợp một hộ gia đình tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) 5 năm đến nay vẫn chưa được cấp. Vấn đề nằm ở quy trình rà soát xét duyệt hồ sơ của huyện Bình Chánh gặp vướng mắc nhiều khâu và mất nhiều năm rà soát không xong dẫn đến việc người dân khiếu kiện, đưa vụ việc ra tòa giải quyết.
5 năm…hết rà soát đất công sang rà soát nguồn gốc đất
Theo hồ sơ xin cấp GCNQSDD của hộ ông Nguyễn Hồng Nam, gia đình ông được Nông trường An Hạ (trước đây) cấp cho 4 nền đất để ở và canh tác hoa màu, nay thuộc các thửa số 14, 17 tờ bản đồ số 43 xã Phạm Văn Hai. Quá trình canh tác, sinh sống và thực hiện các nghĩa vụ đóng thuế đất từ năm 1985 đến nay ổn định, không có tranh chấp.
Năm 2017, ông Nguyễn Hồng Nam làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vào thời điểm đó, huyện Bình Chánh cũng đồng thời thực hiện quyết định tranh tra số 5504, thanh tra toàn bộ quá trình kê khai sử dụng đất do nhà nước quản lý. Sau cuộc thanh tra này, 4 nền đất hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Nam có trong diện rà soát đất công do nhà nước quản lý nên chưa thể cấp sổ. Dù trước đó, nhiều hồ sơ văn bản từ xã Phạm Văn Hai cho thấy quyết định đưa đất của gia đình ông vào diện này là do cán bộ sai sót.
Vì chứng minh được đầy đủ giấy tờ và lô đất của gia đình được giao, không nằm trong danh mục đất công, nhưng mãi vẫn không được xem xét cấp sổ, gia đình ông Nam có đơn khiếu nại. Tháng 1/2019, sau nhiều đợt thanh tra làm việc, UBND huyện Bình Chánh có Quyết định số 1577 công nhận khiếu nại của ông Nam và yêu cầu phòng TNMT huyện thực hiện các bước tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông.
Điều đáng chú ý là trong suốt quá trình thanh tra và trong các báo cáo thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019 đều không thể hiện việc 4 nền đất của hộ gia đình này thuộc diện đất xâm lấn của nông trường. Trong rất nhiều văn bản, của UBND huyện Bình Chánh, xã Phạm Văn Hai, và nông trường An Hạ đều thừa nhận nguồn gốc 4 lô đất này được giao cho cha ông Nam từ năm 1985 và sử dụng ổn định cho đến nay.
Tuy nhiên, trong lần gần đây nhất (giữa tháng 7/2022), làm việc với phóng viên VTV News, cán bộ Phòng Tài Nguyên Môi trường Huyện Bình Chánh thừa nhận đất của gia đình ông Nam đang canh tác không nằm trong danh mục đất công mà cho biết, sở dĩ đến nay việc hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông không thực hiện được là do nguồn gốc đất xâm chiếm của Nông trường An Hạ?
Biên bản xác minh nguồn gốc đất bị xâm chiếm chưa rõ ràng…
Bà Nguyễn Thị Thảo - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bình Chánh thông tin về quá trình tiếp nhận hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của hộ ông Nam từ năm 2017 đến nay.
Theo Bà Nguyễn Thị Thảo - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bình Chánh, căn cứ trên biên bản làm việc vào Tháng 6/2019 giữa huyện Bình Chánh và ông Trần Minh Tân (Chín Tân) - Nguyên giám đốc Nông trường An Hạ, huyện Bình Chánh xác nhận lô đất của ông Nam thuộc diện đất tự lấn chiếm của nông trường nên không đủ điều kiện cấp giấy, trả hồ sơ của gia đình ông về.
Trước thời điểm có cuộc họp bàn về nguồn gốc đất của hộ ông Nam giữa huyện Bình Chánh và Nông trường An Hạ nói trên, nhiều văn bản của huyện Bình Chánh và xã Phạm Văn Hai công nhận 4 nền đất của gia đình ông là đất được nông trường An Hạ cấp.
Trong đó, Báo cáo số 1405 của Phòng TNMT về hồ sơ xin cấp giấy…của 71 trường hợp tại xã Phạm Văn Hai nêu rõ trường hợp của gia đình ông Nguyễn Hồng Nam thuộc diện "có giấy cấp đất".
Nhiều văn bản của huyện Bình Chánh, Cty TNHH MTV Cây trồng TP Hồ Chí Minh, giấy viết tay của ông Chín Tân xác nhận đất được cấp cho hộ ông Nam.
Thêm vào đó, năm 1985, ông Chín Tân đã có giấy viết tay cấp đất cho cha ông Nam. Năm 2010, cũng ông Chín Tân cũng có làm giấy xác nhận lại việc này. Dù trong biên bản làm việc với huyện, ông Chín Tân nói không cấp đất ở lô B cho bất ai, nhưng thừa nhận cấp cho gia đình ông Nam 4 nền, trong đó 3 nền 2 3 4 thuộc thửa 17, liền kề thửa 14 hiện nay.
Năm 2020, công ty TNHH MTV Cây trồng TP Hồ Chí Minh (tiền thân là Nông trường An Hạ) cũng có báo cáo rà soát các trường hợp đất lấn chiếm đất của nông trường, trong báo cáo này nêu rõ những hộ tự ý xâm lấn đất và cung cấp danh sách đất công ty không quản lý. 4 nền đất của hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Nam nằm trong danh sách đất không quản lý.
Suốt quá trình 5 năm rà soát xem xét một hồ sơ, tại sao huyện Bình Chánh không rà soát nguồn gốc đất từ thời điểm 2017 khi người dân nộp hồ sơ xin cấp giấy, mà đến thời điểm 2019 khi đất của hộ gia đình ông Nam không nằm trong danh mục đất công, huyện mới quay lại rà soát nguồn gốc này? Khi được đặt câu hỏi này, bà Thảo, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện cho biết đây là sai sót "nếu thời điểm đó biết có việc này thì sự việc đã không đi đến như ngày hôm nay…". Bà cũng cho rằng vì chưa xem xét kỹ đến vấn đề nguồn gốc đất nên dẫn đến huyện ban hành Quyết định 1577 về đồng ý giải quyết khiếu nại cho hộ ông Nam là chưa đúng, nhưng cũng không thể thu hồi quyết định này…
Đến nay, sau nhiều năm nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cung cấp đầy đủ giấy tờ nhưng hồ sơ vẫn bị trả lại, gia đình ông Nguyễn Hồng Nam nộp đơn kiện cá nhân chủ tịch UBND huyện Bình Chánh và kiện UBND huyện Bình Chánh, vụ án đang được Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp nhận thụ lý.
Đây là một trong số ít vụ án người dân kiện chính quyền liên quan đến quá trình xử lý thủ tục hành chính xảy ra tại TP Hồ Chí Minh. Trước đó, hộ gia đình này cũng gửi nhiều đơn khiếu nại, nhiều lần nêu vụ việc ra các buổi tiếp xúc cử tri và họp HĐND thành phố để trình bày, dù được TP chỉ đạo giải quyết song đến nay vụ việc vẫn chưa kết thúc.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh, trường hợp hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Nam không phải vụ việc duy nhất vướng mắc trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ riêng tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, trong những năm qua vẫn còn hàng trăm hộ gia đình chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến đất công, nguồn gốc đất, quá trình sử dụng, đất tranh chấp, tự xâm lấn…
Những vụ việc hồ sơ đất đai kéo dài nhiều năm gây bức xúc, thiết nghĩ là một thực tế các địa phương cần có sự kết hợp xử lý sớm nhất cho người dân, tránh sa vào kiện tụng kéo dài…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!