Người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) làm giàu từ cây dó trầm

Nguyễn Quân-Thứ sáu, ngày 14/02/2025 09:36 GMT+7

Người dân xã Phúc Trạch (Hương Khê - Hà Tĩnh) chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây dó trầm.

VTV.vn - Những năm gần đây, cây dó trầm đã được người dân miền núi huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) trồng và khai thác trầm hương, tạo một sinh kế mới trong phát triển kinh tế.

Gỗ quý trên đất cằn

Theo lời kể của các cụ cao tuổi đang sinh sống tại xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), cây dó trầm đã xuất hiện tại xã Phúc Trạch từ rất lâu. Ban đầu, cây mọc tự nhiên trong vườn nhà của các hộ dân sinh sống trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian đó người dân chưa biết được giá trị của cây dó trầm nên chủ yếu chỉ sử dụng vào mục đích thông thường như cưa xẻ làm xà gồ, cầu phong, rui, mèn để lợp nhà, làm củi để đun nấu (Quá trình đun nấu vẫn ngửi thấy mùi thơm của trầm). "Phải đến khoảng những năm 1990 một số phu trầm người Huế họ đi qua địa bàn xã Phúc Trạch họ phát hiện cây dó trầm tại xã Phúc Trạch rất có giá trị, từ đó họ kết hợp với một số hộ dân trên địa bàn, bắt đầu thu mua, đổi gạo cho người dân để khai thác cây dó trầm trên địa bàn xã Phúc Trạch"- Ông Nguyễn Văn Đồng – TP Nông nghiệp huyện Hương Khê chia sẻ.

Người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) làm giàu từ cây dó trầm - Ảnh 1.

Người dân khoan tạo trầm trên thân cây

Thông tin từ đại diện phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, dó trầm được người dân tập trung trồng nhiều từ thời điểm năm 1999, 2000. Đến nay, diện tích trồng dó trầm trên toàn huyện đã lên tới trên 800ha. Tập trung chủ yếu ở xã Phúc Trạch 380ha với 100% hộ gia đình nơi đây đều trồng cây dó trầm. Theo phòng Nông nghiệp Hương Khê, dó trầm trồng tại xã Phúc Trạch có lượng trầm nhiều hơn và tốt hơn so với những vùng khác nên giá bán cũng cao hơn.

Người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) làm giàu từ cây dó trầm - Ảnh 2.

Ông Lê Duy Ân giới thiệu với PV VTV Times về giá trị của cây Dó trầm

Chia sẻ với Thời báo VTV, ông Lê Duy Ân, một người lâu năm gắn bó với cây dó trầm cho biết, kỹ thuật trồng loài cây dó trầm đơn giản, không đòi hỏi chăm sóc nhiều. Quá trình sinh trưởng của cây ít sâu bệnh, chi phí đầu tư trồng thấp, cây cho giá trị kinh tế cao, tận dụng được lao động ở nhiều lứa tuổi, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, rủi ro không nhiều. "Thu nhập của người dân nơi đây nhờ thế mà tăng lên rõ rệt, đời sống sinh hoạt được cải thiện, nhiều hộ trở nên giàu có, trong nhà có đầy đủ các tiện nghi."

Người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) làm giàu từ cây dó trầm - Ảnh 3.

Cây Dó trầm mang nhiều giá trị kinh tế

Bên cạnh đó, cũng theo ông Lê Duy Ân, không có tác động xấu từ việc trồng cây dó trầm. Bởi vậy mà nhiều năm nay, trồng cây dó trầm vừa có tác dụng phòng hộ vừa có hiệu quả kinh tế; "Dó trầm là loài cây thân gỗ, có tinh dầu, có chiều cao trung bình khoảng 15m, cây xanh quanh năm, có tác dụng phòng hộ tốt, điều hòa khí hậu; cây có chu kỳ kinh doanh dài từ 15 năm trở lên mới cho thu hoạch. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất, chế tác các sản phẩm từ cây dó trầm bằng thủ công nên tác động xấu đến môi trường hầu như không có." Ông Ân cho biết.

Hướng đi bền vững nào cho Dó trầm Phúc Trạch?

Nhận thấy vai trò lớn của việc trồng dó trầm tác động tới đời sống người dân, đặc biệt là người dân xã Phúc Trạch nên nhiều năm nay, huyện Hương Khê đã có nhiều hội thảo, phân tích đánh giá giá trị của cây dó trầm trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2020, Hội Trầm hương Việt Nam cũng đã nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng cây dó trầm tại xã Phúc Trạch đã xác định chất lượng cây và các sản phẩm trầm hương trên đất Hương Khê, đặc biệt là tại xã Phúc Trạch, có chất lượng rất cao, thuộc tốp đầu thế giới.

Người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) làm giàu từ cây dó trầm - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê trả lời phỏng vấn phóng viên VTV Times

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ, những năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh xác định dó trầm là cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao và đang có lợi thế phát triển tại địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký kết hợp tác phát triển dó trầm và sản phẩm trầm hương Hà Tĩnh với Hội Trầm hương Hàn Quốc (KAA) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm trầm hương đến với các thị trường Mỹ, châu Âu và toàn thế giới. Tuy nhiên, đáng tiếc là đến nay, hướng đi này đang dừng lại ở các văn bản ký kết.

Người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) làm giàu từ cây dó trầm - Ảnh 5.

Người dân chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây Dó trầm

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cũng thông tin thêm, từ nhưng năm 2000 cho đến nay, diện tích cây dó trầm trên địa bàn huyện không ngừng được tăng lên, tuy nhiên, thị trường tiêu thụ không được xác định rõ, phụ thuộc rất lớn vào thương lái dẫn đến giá bán không ổn định; không biết khi nào cần nhiều và khi nào không cần nữa, liệu trong tương lai giá trị mà cây Trầm Hương đem lại có được như những năm vừa qua hay không nữa hay không, đây là điều mà người dân đang rất quan tâm và mong muốn của người dân là khắc phục, giải mã được những khó khăn, hạn chế nêu trên.

Nhiều sản phẩm hàng hóa được tạo ra bởi cây Dó trầm

"Cây dó trầm là một dạng hàng hóa đặc biệt không phải như những hàng hóa khác để có thể bán đại trà mà chỉ những người có am hiểu sâu về cây dó trầm mới biết được giá trị và định giá một cách chính xác, dẫn đến đối tượng khách hàng không rộng rãi như những mặt hàng khác, đây cũng là một khó khăn cho người dân khi trồng dó trầm"

Được biết, những năm gần đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã công nhận 1 làng nghề chế tác trầm hương trên địa bàn huyện Hương Khê. Trước mắt, địa phương sẽ tập trung chỉ đạo để duy trì, phát triển làng nghề này. Hướng người dân vào chế biến sâu để nâng cao giá trị các sản phẩm được chế tác từ cây dó trầm, hạn chế việc bán cây thô cho thương lái, nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại địa phương.

Người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) làm giàu từ cây dó trầm - Ảnh 7.

Huyện Hương Khê mong muốn có những đánh giá đầy đủ nhất về cây Dó trầm để tạo hướng phát triển bền vững cho loại cây đặc biệt này.

"Về lâu dài, mong muốn cơ quan chức năng nghiên cứu, xác định giá trị, vị trí của cây dó trầm, có định hướng, quy hoạch, chỉ đạo cụ thể trong việc phát triển cây dó trầm; xây dựng thương hiệu dó trầm của Hương Khê để huyện có cơ sở chỉ đạo, phát triển loại cây này. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn tiếp tục kêu gọi, ký kết hợp tác phát triển dó trầm và sản phẩm trầm hương với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc phát triển cây dó trầm và các sản phẩm từ dó trầm."- Phó Chủ tịch UBND Huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước