Người dân hoang mang sau vụ giá đỗ ở Bách Hóa Xanh "ngậm" chất cấm

Thanh Hải-Thứ sáu, ngày 27/12/2024 16:36 GMT+7

VTV.vn - Trước sự việc giá đỗ "ngậm" hóa chất được bán ở Bách Hóa Xanh tại tỉnh Đắk Lắk, dư luận rất hoang mang về sản phẩm tiêu dùng, bên cạnh đó đặt câu hỏi về vấn đề quản lý.

Liên quan đến vụ "Mỗi ngày có 8-10 tấn giá đỗ chứa chất cấm bán ra thị trường ở Đắk Lắk", chiều 27/12, trả lời phóng viên Thời báo VTV, ông Đỗ Tuấn Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk) cho biết.

"Đơn vị chỉ cấp cơ sở Lâm Đạo đủ điều kiện an toàn để đóng gói, chứ không quản lý về chất lượng bán của cơ sở này. Cơ sở này đánh tráo khái niệm về việc cấp phép của đơn vị để in vào bao bì, nhằm cho người tiêu dùng tin tưởng. Trong các đơn vị vừa bị xử lý, chỉ có cơ sở Lâm Đạo được đơn vị cấp giấy chứng nhận để sản xuất", ông Hưng thông tin.

Người dân hoang mang sau vụ giá đỗ ở Bách Hóa Xanh ngậm chất cấm - Ảnh 1.

Bách Hóa Xanh ở Đắk Lắk vừa thu hồi các sản phẩm giá đỗ Lâm Đạo.

Qua tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH thương mại Lâm Đạo (Công ty Lâm Đạo) có trụ sở tại Buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Lâm Văn Đạo (SN 1990), người đã bị Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố để điều tra.

Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty Lâm Đạo là sản xuất, buôn bán giá đỗ. Có vốn điều lệ 200 triệu đồng, doanh nghiệp này mới chỉ thành lập vào ngày 11/1/2024, tức chưa đầy 1 năm tuổi.

Trước sự việc giá đỗ "ngậm" hoạt chất vừa qua tại Đắk Lắk, nhiều người tiêu dùng tại địa phương này tỏ ra rất hoang mang.

Anh Nguyễn Cường (trú thị xã Buôn Hồ) chia sẻ: "Sau khi nghe thông tin báo chí, tôi rất hoang mang. Vì trước đó, tôi thường đến Bách Hóa Xanh để mua giá đỗ. Ngoài ra, gia đình và bạn bè thường xuyên sử dụng giá đỗ ở Bách Hóa Xanh, địa điểm bán hàng được nhiều người tin tưởng".

Tương tự như anh Cường, chị H'Anh Niê (chủ Spa ở TP Buôn Ma Thuột) chia sẻ, lần đầu tiên tôi nghe thông tin giá đỗ bị ngâm hoạt chất gây bệnh.

"Tôi rất lo lắng, trước đó gia đình tôi thường xuyên mua hàng hóa ở Bách Hóa Xanh. Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thường xuyên hơn, nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng", chị H'Anh Niê nói.

Luật sư nói gì về việc ngâm chất cấm tại Đắk Lắk

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk cho biết, hành vi sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất thực phẩm là hành vi cấm, phạm vào tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, được quy định tại điều 317 Bộ Luật hình sự và sẽ bị khởi tố hình sự trên cơ sở căn cứ mức độ, tính chất vi phạm.

Luật sư Tòng nói thêm, có 4 khung hình phạt của tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Trong đó, mức thấp nhất sẽ phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm; mức cao nhất là bị phạt tù 12-20 năm nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Người dân hoang mang sau vụ giá đỗ ở Bách Hóa Xanh ngậm chất cấm - Ảnh 2.

Bịch sản phẩm giá đỗ Lâm Đạo trước đó có đóng dòng chữ đủ điều kiện ATTP.

Đối với vụ việc sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine để ngâm ủ giá đỗ, luật sư Tòng cho rằng, giá đỗ ngâm hóa chất sẽ không gây hậu quả tức thì, không làm chết người ngay, mà đó là cả quá trình hấp thụ lâu dài trong cơ thể người.

"Đây là hành vi rất nguy hiểm, để chứng minh hậu quả của hành vi này, cơ quan chức năng sẽ căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và xác định số lượng hàng hóa chứa hóa chất này được bán ra để khởi tố bị can, phù hợp với các khung hình phạt của pháp luật", Chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk cho hay.

Cũng theo luật sư Tòng, với thông tin Bách Hóa Xanh có ký hợp đồng của một cơ sở sản xuất giá đỗ bị khởi tố do ngâm hóa chất, trước tiên, cần xác định phía đơn vị bán giá đỗ có đầy đủ giấy phép về mặt pháp lý hay không; nếu có, phía Bách Hóa Xanh có quyền mua bán.

Trường hợp cơ sở này không có giấy phép mà Bách Hóa Xanh vẫn cố tình mua thì phạm tội đồng phạm.

Người dân hoang mang sau vụ giá đỗ ở Bách Hóa Xanh ngậm chất cấm - Ảnh 3.

Nhóm người phân giá đỗ để giao cho các đối tác tại một cơ sở ở Đắk Lắk.

Chiều 26/12, nguồn tin từ Công ty Cổ phần Thương Mại Bách Hóa Xanh (Công ty Bách Hóa Xanh) đã có thông tin phản hồi về việc hơn 20,3 tấn giá đỗ ngâm chất cấm ở Đắk Lắk.

Theo nguồn tin, Công ty Bách Hóa Xanh cho biết, hoạt chất 6-Benzylaminopurine, Bách Hóa Xanh cũng đang làm việc với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk để phối hợp hướng dẫn về việc kiểm tra chất này.

Hiện, Bách Hóa Xanh đã ngay lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.

Công ty Bách Hóa Xanh khẳng định, nhà cung cấp Lâm Đạo chỉ cung cấp cho khu vực Đắk Lắk với tỉ lệ 2% trên tổng sản lượng mặt hàng giá đỗ.

"Bách Hóa Xanh luôn đề cao chất lượng vệ sinh, an toàn sản phẩm. Các sản phẩm được nhập tại chuỗi đều phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu: Giấy phép kinh doanh, giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm công bố theo tiêu chí QC, các giấy phép liên quan... theo quy định cơ quan Nhà nước. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ sự việc ", thông báo từ công ty cho hay.

Ngày 26/12, Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin đã khởi tố bắt tạm giam Lâm Văn Đạo (SN 1990, trú tại xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột); Vũ Duy Tư (SN 1991), Nguyễn Văn Quynh (SN 1973) và Nguyễn Văn Hảo (SN 1988), cùng trú tại phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện một số đối tượng nằm trong nhóm "Hội giá đỗ miền Nam" và "Hội làm giá đỗ" có những dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát kinh tế đã kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ của 4 đối tượng Lâm Văn Đạo, Vũ Duy Tư, Nguyễn Văn Quynh và Nguyễn Văn Hảo.

Quá trình kiểm tra, công an phát hiện trong quá trình sản xuất giá đỗ, 6 cơ sở này đã sử dụng một loại chất lỏng không màu mà nhóm này thường trao đổi tiếng lóng với nhau qua mạng là "nước kẹo".

Công an xác định đây là hoạt chất 6 - Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Đặc biệt, chỉ cần hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhi nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh; ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.

Các đối tượng trên dùng chất này để sản xuất giá đỗ nhằm mục đích làm cho rễ cây giá ngắn lại để tập trung dưỡng chất phát triển cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.

Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ 20.357kg giá đỗ mà nhóm này đã ngâm hoạt chất 6- Benzylaminopurine (giá bán ra khoảng 400 triệu đồng).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước