Người dân bần thần vì lợn dự án giảm nghèo chết hàng loạt

VTV Digital-Thứ hai, ngày 08/01/2024 12:21 GMT+7

VTV.vn - Hầu hết số lợn hỗ trợ từ dự án giảm nghèo bền vững trên địa bàn 2 xã Thọ Tiến và Thọ Bình, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đều đang ốm hoặc đã chết.

Mặc dù gặp vô vàn khó khăn, nhưng công tác giảm nghèo của nước ta thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 3% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,6%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 18% (giảm 3,2%); con số này đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Người dân bần thần vì lợn dự án giảm nghèo chết hàng loạt - Ảnh 1.

Tuy nhiên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng nêu rõ, kết quả giảm nghèo tuy đạt mục tiêu nhưng chưa bền vững. Bởi một số ít dự án khi địa phương triển khai xuống đối tượng thụ hưởng, kết quả đã không song hành với mục tiêu.

Người dân trước nguy cơ nghèo… bền vững

Mới đây, đường dây nóng của Chuyển động 24h cũng đã nhận được một câu chuyện tương tự, nơi mà một dự án lợn được cấp cho người dân để giảm nghèo lại không đạt được kết quả như mong muốn, khi đột ngột lợn dự án lại chết hàng loạt sau khi trao cho người dân.

Một thực tế buồn là hiện hầu hết số lợn hỗ trợ từ dự án giảm nghèo bền vững trên địa bàn 2 xã Thọ Tiến và Thọ Bình, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đều đang ốm hoặc đã chết.

Sau khi nhận được thông tin, Chính quyền địa phương đã phối hợp với công ty cung cấp lợn giống kiểm tra và tìm cách khắc phục. Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Thọ Tiến lý giải, công ty đã lấy mẫu đem đi xét nghiệm, tuy nhiên các mẫu đều cho âm tính với bệnh dịch.

Phía công ty cũng cho rằng, lợn giống trước khi cung cấp cũng đã được tiêm phòng vaccine nên đây không phải lợn bệnh. Lợn ốm và chết là do sau khi người dân mang về nuôi, gặp thời tiết khắc nghiệt, môi trường sống không đảm bảo cùng cách chăm sóc không đúng của người dân nên lợn sinh bệnh. Hiện, UBND xã sẽ phối hợp với công ty có trách nhiệm khắc phục.

Người dân bần thần vì lợn dự án giảm nghèo chết hàng loạt - Ảnh 2.
Người dân bần thần vì lợn dự án giảm nghèo chết hàng loạt - Ảnh 3.
Người dân bần thần vì lợn dự án giảm nghèo chết hàng loạt - Ảnh 4.

Trong lúc chờ đợi phương án giải quyết cụ thể, người dân dĩ nhiên vẫn như ngồi trên đống lửa. Bởi sau khi lợn dự án ốm, thì những con lợn khác của nhà nuôi trước đó cũng ốm theo. Và việc này đang đe dọa sinh kế của người dân, nguy cơ thay vì thoát nghèo bền vững lại càng khó.

Nỗi bức xúc của người dân cứ thế lan rộng. Và cuối cùng, chủ tịch UBND xã, người trực tiếp triển khai dự án cũng đã xuất hiện để trấn an tinh thần người dân.

Nhiều dự án hỗ trợ thoát nghèo thiếu bền vững

Vào những tháng cuối năm những dự án hỗ trợ thoát nghèo bền vững đang được gấp rút triển khai. Và thực tế một số địa phương đã thực hiện không hiệu quả. Cụ thể, từ thông tin người dân phản ánh, số lợn dự án ở xã Nà Chì, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cũng đã ốm ngay sau khi người dân mang về nuôi và phần lớn trong số đó đã chết.

Hay tại Xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Chương trình hỗ trợ bò giống thoát nghèo bền vững, tương đương 20tr đồng/con nhưng bà con đến nhận thì lại là con bê, không đúng như dự án hỗ trợ cam kết ban đầu.

Những câu chuyện nêu trên rõ ràng cho thấy, người dân đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách đang có rủi ro rơi vào thế bị động. Việc thực hiện dự án ở một số nơi còn nặng việc CHO -NHẬN mà chưa tính đến cách sử dụng và hiệu quả.

Để giảm nghèo nhanh và bền vững, vai trò của người dân, đặc biệt là bản thân người nghèo đang là nhân tố quyết định. Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả chính sách thì mỗi hộ nghèo sẽ cần có ý chí tự lực, tự quyết kết hợp với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội để tự thoát nghèo, giúp đỡ các hộ khác cùng vươn lên.

Nêu cao tinh thần tự quyết và chung tay giảm nghèo

Ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện… Đây là kết quả của một gia đình vượt khó thoát nghèo. Từ sự hỗ trợ ban đầu về vốn, gia đình đã chọn lựa phương thức làm kinh tế nông hộ. Quyết định được đưa ra dưới sự xây dựng ý kiến của tổ đoàn kết thôn xóm.

Người góp sáng kiến, kẻ góp công. Nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là chủ thể hộ nghèo. Thay vì nhận con giống chỉ định từ dự án giảm nghèo, bà đã đề xuất mua bò. Mua ở đâu, con giống như nào bà sẽ tham khảo rồi tự quyết định.

Việc tự quyết càng cho thấy chủ thể có trách nhiệm hơn trong việc thụ hưởng chính sách. Từ hộ trong diện khó khăn nhất xã, tận dụng sự hỗ trợ của chính sách, chủ động tìm đến những nguồn vốn vay thoát nghèo, cuộc sống đã dần sang trang.

Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn song với ý chí tự lực, nhiều hộ tự nguyện xin thoát nghèo. Với họ, quyết định này là sự khẳng định nỗ lực vươn lên và lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Tây Nguyên nỗ lực giảm nghèo bền vững Tây Nguyên nỗ lực giảm nghèo bền vững

VTV.vn - Theo tinh thần của nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, trong năm 2023, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực đẩy mạnh các mục tiêu giảm nghèo bền vững và đạt được kết quả khả quan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước