BRVT từng bước nâng cao ý thức, thay đổi thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đang gấp rút triển khai việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn từ ngày 1/1/2025.
Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, ông Phạm Quốc Đăng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Theo kết quả báo cáo của các địa phương, năm 2022, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) khu vực đô thị và nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát sinh khoảng 387.992 tấn, trung bình khoảng 1.062 tấn/ngày. Năm 2023, con số này rơi vào khoảng 421.575 tấn, trung bình khoảng 1.170 tấn/ngày. Trong đó CTRSH đô thị được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ 99%; nông thôn được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ 90%. Hiện, toàn bộ CTRSH phát sinh tại 7/8 địa phương của tỉnh (trừ huyện Côn Đảo) đang được thu gom tập trung về khu chôn lấp hợp vệ sinh tại Công ty TNHH KBEC Vina (Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ) để xử lý.
Đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai phân loại CTRSH
Việc phân loại CTRSH tại nhà trường giúp giáo dục ý thức và rèn luyện thói quen bảo vệ môi trường cho học sinh thông qua hành động thiết thực
Đến nay, riêng lượng rác tại huyện Côn Đảo được thu gom, lưu giữ tại Bãi Nhát, tỉnh đã lựa chọn Công ty CP đầu tư Kim Trường Phát đầu tư hoàn thành 2 lò đốt rác (1 lò công suất khoảng 13 tấn/ngày; 1 lò công suất khoảng 80 tấn/ngày) và chờ hoàn tất các thủ tục để đi vào hoạt động trong năm 2024. Ngoài ra, tất cả các khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tạm tại các địa phương đã được đóng cửa.
Thời gian qua, Sở TN-MT đã tham mưu và được UBND tỉnh ban hành các quy định để các cơ quan, đơn vị và địa phương làm căn cứ chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định tại Khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Trước đó, Đề án quản lý chất thải và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 20230 đã được UBND tỉnh BRVT phê duyệt ngày 26/12/2023. UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 267/KH-UBND về thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 2066/QĐ-UBND và Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh BRVT. Bên cạnh đó, Sở GT-VT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 27/2024/QĐ-UBND quy định tuyến đường bộ, thời gian vận chuyển CTRSH, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, UBND tỉnh phải ban hành các quy định liên quan đến phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản, công tác này đã được Sở TN-MT tham mưu trình UBND tỉnh ban hành đầy đủ và đã tuyên truyền về quy định trên đến các cơ quan, đơn vị.
Người dân TP Vũng Tàu phân loại CTRSH
Để phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt hiệu quả, hiện Sở TN-MT đang làm việc cụ thể với các huyện, thị xã, thành phố về tình hình triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định nêu trên của tỉnh. Trên cơ sở đó, đánh giá kết quả đạt được, các khó khăn, vướng mắc và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai các giải pháp thực hiện trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Sở TN-MT cũng tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ TN-MT xem xét, sớm ban hành các thông tư quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; thông tư quy định về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để các địa phương có cơ sở xây dựng quy định về giá thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, cũng như quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Sở TN-MT tiếp tục đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân cách thức thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn nhằm từng bước nâng cao ý thức, thay đổi thói quen phân loại CTRSH tại nguồn cho người dân.
Được biết, hiện nay, UBND tỉnh BRVT cũng đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác quản lý và đầu tư các dự án xử lý CTRSH như sau: Tập trung hoàn tất các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu Xử lý chất thải tập trung xã Tóc Tiên (công suất xử lý 1.000 tấn/ngày, phát điện 20MW) và dự án Nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo (công suất giai đoạn đến năm 2030 là 36 tấn/ngày, đến năm 2040 là 50 tấn/ngày và dự kiến đến năm 2045 là 66 tấn/ngày). Đồng thời, địa phương này cũng yêu cầu Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nhà máy Xử lý CTRSH và Chế biến phân compost Tân Thành công suất 500 tấn/ngày tại Khu Xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.
Hình thành thói quen cho học sinh nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân
Từ tháng 5/2024, chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải tại các trường học trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được triển khai rộng rãi. Chương trình giới thiệu đến học sinh mô hình tái chế sản phẩm, bao bì đã qua sử dụng như vỏ hộp sữa; hướng dẫn các em cách phân loại và thu gom vỏ hộp sữa đúng cách thông qua các hoạt động vui chơi hữu ích. Qua đó, nâng cao vai trò của nhà trường trong việc giáo dục ý thức và rèn luyện thói quen bảo vệ môi trường cho học sinh thông qua hành động thiết thực, cụ thể và phù hợp với lứa tuổi; đồng thời lan tỏa và lồng ghép giáo dục môi trường đến thế hệ mầm non, học sinh tiểu học và cộng đồng dân cư trên toàn tỉnh. Tính đến nay, trên địa bàn TP Vũng Tàu, đã triển khai phân loại rác tại nguồn tại 112 trường học; 5 trung tâm thương mại, siêu thị; 96 cửa hàng tiện ích và tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc hệ thống chính trị của thành phố. Được biết, UBND TP Vũng Tàu ưu tiên triển khai mô hình phân loại rác thải nhựa cho các trường học nhằm hình thành thói quen cho học sinh là cách tác động hiệu quả, lâu dài. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, xây dựng thói quen phân loại rác thải nhựa; thu gom và tái chế rác thải bao bì, ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới tương lai phát triển bền vững. Từ tháng 7/2024, TP Bà Rịa cũng đã triển khai thí điểm thu gom rác vô cơ vào thứ Bảy hàng tuần tại 2 phường là Phước Hiệp và Phước Trung.
Tỉnh BRVT phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% rác được phân loại và tỷ lệ này sẽ đạt trên 50% vào năm 2030. Hiện, ngành Tài nguyên - Môi trường tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân và du khách về phân loại rác; xây dựng phương án chuẩn hóa quy trình thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý rác thải sau phân loại, qua đó tạo sự đồng bộ, thống nhất và hiệu quả khi triển khai phân loại rác tại nguồn.
Trong thời gian qua, nhiều mô hình phân loại rác thải nhựa tại tỉnh BRVT đã phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức phân loại rác thải nhựa cho người dân, đặc biệt là các em học sinh. Đơn cử như dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam" do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với WWF-Việt Nam được triển khai tại huyện Côn Đảo. Ngành Giáo dục địa phương đã phối hợp với Dự án triển khai mô hình "Trường học không rác thải nhựa" tại Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc bằng cách lồng ghép tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về rác thải nhựa và cách thức thu gom, phân loại rác trong các buổi sinh hoạt chuyên đề. Chương trình vận hành căn tin xanh cũng được triển khai đồng thời tại các trường học trên địa bàn huyện Côn Đảo và đã nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận khi giảm đáng kể nhóm hộp xốp nhựa với 58,33% tương ứng 0,4 kg/ngày, tiếp đến là ly nhựa 17,16% tương ứng 0,23kg/ngày, hộp sữa, ly nhựa khác giảm 15,86% tương ứng 0,14kg/ngày và ống hút, thìa, nĩa nhựa giảm 13,49% tương ứng 0,05kg/ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!