Việt Nam công bố Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi

Theo VOV-Thứ năm, ngày 12/12/2024 10:37 GMT+7

VTV.vn - VECAP 2022 đề ra 33 nhóm giải pháp, hành động dành cho voi hoang dã và 21 nhóm giải pháp, hành động dành cho voi nuôi nhốt, triển khai từ nay đến năm 2035,...

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Kế hoạch Hành động bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 (VECAP 2022). Đây là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực bảo vệ voi, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và phát triển chính sách nhằm đảm bảo sự sống và phát triển bền vững của loài voi tại Việt Nam trong những thập kỷ tới.

Từ số lượng khoảng 2.000 cá thể voi được phát hiện vào những năm 80 của thế kỷ trước, quần thể voi châu Á tại Việt Nam đã suy giảm xuống mức báo động dưới 200 cá thể voi hoang dã. Sự suy giảm này không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học mà còn làm mất cân bằng sinh thái. Để bảo vệ loài voi, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và chương trình hành động; trong đó có Kế hoạch Hành động bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 (VECAP 2022). Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tổ chức Humane Society International (HSI) từ năm 2019.

VECAP 2022 đề ra 33 nhóm giải pháp, hành động dành cho voi hoang dã và 21 nhóm giải pháp, hành động dành cho voi nuôi nhốt, triển khai từ nay đến năm 2035 với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm bảo tồn và phát triển số lượng voi tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa voi và cộng đồng con người. Các mục tiêu dài hạn bao gồm mở rộng hệ thống khu bảo tồn, tăng cường các biện pháp chống săn bắt và phát triển du lịch sinh thái, vừa hỗ trợ công tác bảo tồn vừa thúc đẩy kinh tế địa phương. Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Chúng tôi xây dựng Kế hoạch Hành động bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 trên cơ sở kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế cũng như tham vấn cộng đồng và các nhà quản lý, các nhà khoa học. Tôi tin tưởng VECAP 2022 sẽ có những hiệu quả như những mục tiêu đặt ra".

Các tổ chức quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc ban hành VECAP 2022. Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc quốc gia của Tổ chức HIS tại Việt Nam, nhận định: "Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn voi. Việt Nam là một trong số 13 quốc gia còn có voi châu Á. Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn voi".

Được ví là xứ sở voi với quần thể voi rừng và nhiều đàn voi nhà, Đắk Lắk là địa phương tiêu biểu trong công tác bảo tồn voi. Tỉnh đang xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi. Ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk, nêu rõ: "Tỉnh Đắk Lắk đang được Tổ chức động vật châu Á hỗ trợ để chuyển mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi, thực hiện từ năm 2023 đến năm 2026. Khi tham gia vào du lịch thân thiện với voi, những cá thể voi được thả vào rừng. Những người quản tượng đi theo voi để theo dõi voi ăn uống thế nào và có gặp nguy hiểm gì không. Trong quá trình ở trong rừng, voi có thể tự lựa chọn các loại cây mà voi ưa thích".

Kế hoạch Hành động quốc gia về bảo tồn voi đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 thể hiện cam kết của Việt Nam về một chiến lược thống nhất, tôn trọng văn hóa, đảm bảo tương lai cho loài voi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước