Người bệnh khó tiếp cận thuốc kháng virus

Vũ Em - Đức Dương-Thứ ba, ngày 08/03/2022 13:01 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ ở thể nặng mà 30% bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ cũng phải dùng thuốc kháng virus tuy nhiên, việc tiếp cận thuốc kháng virus vẫn còn khó khăn.

Trong bối cảnh số ca F0 tăng cao, trạm y tế nhiều nơi quá tải, thuốc điều trị trở thành mặt hàng được nhiều người quan tâm. Nhất là khi mới đây, 3 loại thuốc kháng virus có chứa hoạt chất Molnupiravir được cấp phép khẩn cấp lưu hành. Điều này mở ra thêm kênh tiếp cận thuốc cho người bệnh, ngoài việc được các trạm y tế cấp miễn phí. Sau 2 tuần thuốc kháng virus ra thị trường, đã có những bất cập khiến người bệnh chưa hẳn được tiếp cận thuận lợi.

Ngay khi có thông tin thuốc kháng virus bán ra thị trường, chị Trần Ngô Mai Thy (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) nhanh chóng đến hiệu thuốc mua. Thế nhưng để mua được thuống kháng virus thì người mua phải có đơn của bác sĩ, giấy xác nhận dương tính của y tế địa phương.

''Em được tư vấn phải có giấy xác nhận của địa phương thì mới được mua. Em phải quay về địa phương để có giấy xác nhận'', chị Thy chia sẻ.

Việc hướng dẫn người mua có giấy kê đơn của bác sĩ, hay giấy xác nhận F0 chỉ xuất phát từ nhà thuốc. Do chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan y tế nên mỗi nơi lại có hướng dẫn khác nhau trong việc mua bán thuốc kháng virus.

Giải thích việc có nhiều thủ tục chưa được thống nhất, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết vì là thuốc kê toa cần có đơn bác sĩ. Người bệnh cần được xác định là F0 và được bác sĩ chỉ định có dùng được hay không nhưng quy trình cần phải chờ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Người bệnh khó tiếp cận thuốc kháng virus - Ảnh 1.

Người dân mua thuốc kháng virus (Ảnh: TTXVN)

Thực tế cho thấy, khi thuốc kháng virus khi ra thị trường nhận được sự quan tâm của nhiều người khi F0 tăng cao. Tuy nhiên thuốc chưa có hướng dẫn cụ thể mua bán nên dù đã sẵn trên kệ bán nhưng người dân tiếp cận thuốc thông qua việc tự đi mua vẫn còn chưa thuận lợi.

Có hai nguyên nhân khiến việc các nhà thuốc phải chờ hướng dẫn là:

+ Đây là thuốc phải kê đơn;

- Đây là thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo Luật, người bệnh khi mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A thì được điều trị miễn phí.

Bộ Y tế đang đề xuất với Chính Phủ xem xét các phương án cung ứng, bao gồm việc cấp phát miễn phí có chỉ định của bác sĩ và người dân có thể tự mua thông qua các nhà thuốc.

Trong lúc chờ đợi các hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, trong cuộc tập huấn các nhà thuốc mới đây, đã có nhiều ý kiến khác nhau trong việc cắt giảm thủ tục để giúp cho người dân tiếp cận với thuốc kháng virus thuận lợi hơn.

Bộ Y tế đề xuất phương án cung ứng thuốc kháng virus

Mới đây, Bộ y tế đã chính thức có văn bản đề xuất các phương án cung ứng thuốc kháng virus cho người dân như sau:

- Đối với việc cấp phát điều trị miễn phí: Thuốc được kê đơn, cấp phát, hướng dẫn sử dụng bởi các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm quản lý điều trị COVID-19, bao gồm các trạm y tế xã, phường và trạm y tế lưu động trở lên.

- Đối với việc người dân tự chi trả:

+ Về Thẩm quyền kê đơn: Người phụ trách chuyên môn dược tại các nhà thuốc được phép kê đơn.

+ Quy định kê đơn: Phải có xác nhận dương tính từ cơ sở y tế, người bệnh có thể quay clip test nhanh tại nhà để chứng minh kết quả, phải có ít nhất một nguy cơ chuyển nặng của bệnh nhân, người mua ký giấy cam kết.

+ Địa bàn áp dụng là khi địa bàn có tình hình dịch bệnh tăng cao, hệ thống y tế quá tải.

Như vậy, với hai phương án đề xuất thì điểm mới là xem xét người có chuyên môn dược, các nhà thuốc tại các địa bàn dịch bệnh tăng cao được kê đơn thuốc kháng virus với những điều kiện đi kèm. Tuy nhiên, việc này một lần nữa cũng đặt ra vai trò y tế cơ sở trong việc xác định F0. Do đó, các chuyên gia cho rằng dù phương án nào đi nữa thì việc sớm có các hướng dẫn là cần thiết, để tránh tình trạng không thống nhất trong việc cung ứng.

Thách thức cung ứng thuốc kháng virus thuận lợi và an toàn

Khi có F0 có đủ điều kiện sử dụng, y tế cơ sở sẽ xác nhận và chẩn đoán để cấp phát thuốc kháng virus miễn phí cho F0. Hiện chương trình này vẫn được áp dụng, do đó các chuyên gia cho rằng người bệnh cần tiếp tục thực hiện việc khai báo để sử dụng đúng thuốc.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội dược học Việt Nam cho rằng: ''Đã là F0 thì chúng ta phải báo y tế địa phương, hỏi ý kiến các bác sĩ, tham vấn y tế địa phương là các bác sĩ ở các trạm y tế, trạm y tế lưu động. Sử dụng như thế nào thì vẫn phải tuân thủ. Do đó, đây giống như thách thức cho các bác sĩ y tế tuyến cơ sở. Trong toàn bộ vấn đề này chúng ta thấy là nó thiên về việc là chúng ta sẽ quản lý dịch như thế nào''.

Trong trường hợp y tế cơ sở quá tải, các chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm thủ tục để người bệnh sớm tiếp cận thuốc, giảm áp lực cho tuyến y tế cơ sở là điều cần thiết

''Cá nhân tôi chỉ cần 1 bảng kiểm khai báo để đảm bảo thực sự đó là F0 và khai báo chính quyền địa phương và họ đủ tiêu chuẩn'', PGS.TS Dỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Thực tế cho thấy khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thuốc chính thống đã khiến nhiều người bệnh tìm đến các kênh thuốc trôi nổi. Do vậy, việc đưa thuốc ra thị trường và thống nhất quy trình mua bán là điều mà nhiều đơn vị mong mỏi.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước