Ngõ nhỏ Hà Nội - Tiềm ẩn hiểm họa chết người

Nguyễn Bắc - Dương Duy-Thứ năm, ngày 20/06/2024 13:22 GMT+7

VTV.vn - Ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà Nội đã từng là những gì rất đỗi thân thuộc đối với người dân Thủ đô nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những đám cháy thảm khốc.

Những ngày gần đây, người dân Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng trước hậu quả nặng nề của vụ cháy làm 4 người chết ở phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) hay vụ cháy ngôi nhà trong ngõ 119 Trung Kính, quận Cầu Giấy (Hà Nội) khiến 17 người thương vong.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngôi nhà bị cháy ở Trung Kính nằm trong ngõ nhỏ rộng khoảng 2m, sâu hơn 200m. Khi vụ cháy xảy ra, xe cứu hỏa đã không thể tiếp cận hiện trường. Lực lượng chức năng phải kéo đường ống dẫn nước vào để dập lửa, bỏ lỡ thời điểm vàng để cứu sống các nạn nhân.

Ngõ nhỏ Hà Nội - Tiềm ẩn hiểm họa chết người - Ảnh 1.

Đây không phải vụ cháy đầu tiên trong ngõ nhỏ khiến người dân Hà Nội và cả nước phải bàng hoàng.

Sự hình thành ngõ nhỏ ở Hà Nội

Khu "phố Hàng" của thành phố Hà Nội là nơi tập trung nhiều ngõ siêu nhỏ. Ngõ ngách ở đây nhỏ tới mức chỉ cần một người đi qua là người đi chiều ngược lại sẽ phải quay đầu. Ngõ 94, 96 phố Hàng Buồn là những con ngõ chỉ rộng từ 50 – 70cm. Trong không gian tối tăm chật hẹp, nhiều bó dây điện chằng chịt, các hộp điện công tơ đặt trên tường càng khiến không gian trong các ngõ ngày bị thu hẹp.

Ngõ nhỏ Hà Nội - Tiềm ẩn hiểm họa chết người - Ảnh 2.

Ngõ 96 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có mặt cắt ngang rộng 70cm

Theo người dân, dù trước đây, các ngõ ở khu phố cổ không rộng rãi nhưng cũng không siêu nhỏ hẹp như hiện nay. Các hộ dân sinh sống trong ngõ nhỏ theo thời gian ngày càng tăng dần về số lượng thành viên, bắt buộc phải cơi nới diện tích để sử dụng nên ngõ ngách ngày càng thu hẹp. Nhiều người dân cho rằng nguyên nhân của các ngõ siêu nhỏ là do "lịch sử để lại".

"Dắt xe máy, xe đạp vào trong ngõ này còn khó khăn. Xe máy không vào được nên người dân phải mang đi gửi ở ngoài, nhà tôi gửi 3 xe máy mỗi tháng cũng tốn mất hơn 1 triệu đồng", bà Đặng Thị Huệ, người dân số 16A Ngõ Gạch (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.

Ngõ nhỏ Hà Nội - Tiềm ẩn hiểm họa chết người - Ảnh 3.

Bên trong một ngõ nhỏ ở quận Hoàn Kiếm chằng chịt dây điện và hộp công tơ điện

Ngõ nhỏ Hà Nội - Tiềm ẩn hiểm họa chết người - Ảnh 4.

Hai người đi ngược chiều không thể tránh nhau trong những con ngõ nhỏ chỉ rộng 50cm

Tuy nhiên, ngay cả các khu cư dân hình thành sau này, các ngõ nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, cũng đang hình thành ngày càng nhiều.

Ngách 42 ngõ 119 phố Hồ Đắc Di (quận Đống Đa, Hà Nội) đang hẹp dần. Qua quan sát có thể thấy, nhiều nhà dân đang lấn chiếm các phần diện tích mặt ngõ. Có nhiều gia đình lấn ra một vài bậc tam cấp, có nhà lấn thêm một cái sảnh, nhà thì xây hẳn phần lấn chiếm thành không gian ở kiên cố. Và theo hiệu ứng, khi một gia đình lấn chiếm được mặt đường thì nhiều hộ khác cũng muốn lấn theo.

Mặt cắt ngang của ngách 42 rộng hơn 2m nhưng đến giữa ngõ thì bị thu hẹp chỉ còn 1/2. Theo người dân sinh sống ở đây, dù chưa từng có cháy nổ xảy ra nhưng xe cứu hỏa chắc chắn không thể tiếp cận được khu vực này.

Ngõ nhỏ Hà Nội - Tiềm ẩn hiểm họa chết người - Ảnh 5.

Ngách 42, ngõ 119 phố Hồ Đắc Di, Hà Nội bị lấn chiếm nghiêm trọng

Bà Nguyễn Thị Hời, người dân ngõ 119 Hồ Đắc Di chia sẻ: "Tôi từ quận Hoàn Kiếm về đây sinh sống từ năm 2005. Từ đó đến nay thì con ngách này đã có hiện trạng như thế này rồi. Những nhà này họ làm từ ngày xưa rồi nên vẫn để như thế thôi. Đường bê tông này chính quyền mới làm lại để đỡ gập ghềnh và ngăn những nhà này họ xây lấn thêm ra, ví dụ như lấn ra bằng cái bậc thềm này"...

Người dân biết việc lấn chiếm mặt ngõ. Chính quyền cũng biết việc lấn chiếm mặt ngõ nhưng không thể giải quyết dứt điểm. Việc xử lý các vi phạm này gặp nhiều khó khăn.

"Theo Nghị định 43 của Chính phủ, đối với các trường hợp lấn chiếm tự sử dụng ổn định trước ngày 1/7/2014, sẽ lập hồ sơ, giữ nguyên hiện trạng, quản lý. Và khi Nhà nước thu hồi đất thì sẽ phải bàn giao theo đúng quy định của Nhà nước. Về cơ bản quận Thanh Xuân đã trải qua quá trình đô thị hóa từ lâu nên cơ bản các tuyến ngõ ngách cũng rất nhỏ. Đối với các trường hợp lấn chiếm chúng tôi đều lập hồ sơ và thực hiện theo đúng Nghị định 43 của Chính phủ", ông Võ Đăng Dũng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết.

Ông Võ Đăng Dũng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết đã lập hồ sơ toàn bộ các hộ dân vi phạm lấn chiếm

Trách nhiệm khi xảy ra cháy nổ

Điều đáng nói là khi xảy ra các vụ hỏa hoạn, hầu như, dư luận chỉ đề cập tới trách nhiệm của chủ nhà trong việc sử dụng, cho thuê hoặc kinh doanh, trách nhiệm của chính quyền trong việc quản lý thực hiện các quy định về trang bị phòng chống cháy nổ… mà không quan tâm đến hậu quả do ngõ ngách bị thu hẹp do sự quản lý lỏng lẻo qua nhiều thời kỳ của các lãnh đạo địa phương.

Theo lực lượng cảnh sát PCCC, ngay cả khi mọi biện pháp phòng, ngừa được thực hiện nghiêm túc, nguy cơ cháy, nổ không thể bị loại trừ 100%. Sẵn sàng cho việc chữa cháy, đảm bảo cho các phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp, hiện đại tiếp cận hiện trường dễ dàng, kịp thời là hết sức quan trọng, giúp giảm thiểu thiệt hại về vật chất, đặc biệt là về con người.

Ngõ nhỏ Hà Nội - Tiềm ẩn hiểm họa chết người - Ảnh 7.

Xe cứu hỏa chuyên dụng của lực lượng cảnh sát PCCC Hà Nội có bề ngang rộng từ 2 - 2,5m, chiều dài từ 6 - hơn 10m tùy chủng loại

Hà Nội có 5437 tuyến ngõ sâu trên 200m

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 5437 tuyến đường, ngõ sâu trên 200m, 223 tuyến đường, ngõ có barie, cọc chắn xe chữa cháy, xe chuyên dụng không di chuyển không tiếp cận được.

"Khả năng tiếp cận hạn chế khiến xe chuyên dụng phải đỗ ở đầu ngõ, các phương tiện cơ giới chữa cháy hiện đại không thể triển khai nên chúng tôi phải sử dụng phương tiện và đội hình cá nhân để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Thời gian vàng để chúng tôi triển khai đội hình chữa cháy là trong vòng 8 phút từ khi tiếp cận đám cháy. Để đám cháy tự do càng lâu, hậu quả càng lớn", Trung tá Nguyễn Lê Cường, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội cho biết.

Ngõ nhỏ Hà Nội - Tiềm ẩn hiểm họa chết người - Ảnh 8.

Trung tá Nguyễn Lê Cường, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội cho biết thời gian vàng để triển khai đội hình PCCC là 8 phút

Thống kê mới nhất của lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, Hà Nội xảy ra 487 vụ cháy, làm chết 14 người và bị thương 7 người. Các vụ cháy tại nhà ở đơn lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh là 283 vụ (chiếm 58,1%). Số vụ cháy trong ngõ nhỏ không tiếp cận được là 27 vụ.

Theo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội, việc triển khai quy hoạch các đô thị mới của Hà Nội hiện nay cần phải đồng bộ với quy hoạch hạ tầng về PCCC theo Quyết định số 819 của Chính phủ. Theo đó, quy hoạch đường giao thông phải đảm bảo xe cứu hỏa chuyên dụng có thể tiếp cận đến tận chân công trình, có khu vực quay đầu xe và đỗ xe cho các phương tiện PCCC.

Như vậy, việc rà soát các tiêu chí PCCC trong quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới cùng với các giải pháp hướng tới mở rộng các ngõ nhỏ hiện nay để đảm bảo hoạt động PCCC nên chăng là vấn đề cần được các cấp chính quyền đặt ra, giải quyết. Từ đó, những thảm họa cháy nổ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản sẽ không tái diễn chỉ vì không có lối vào cho xe cứu hỏa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước