Nghịch lý người lao động thất nghiệp nhưng ít chọn học nghề

Ánh Kim, Vũ Nhất-Thứ ba, ngày 06/04/2021 21:08 GMT+7

VTV.vn - Có một nghịch lý là NLĐ thất nghiệp nhiều nhưng nhu cầu học nghề vẫn rất ít dù theo quy định, đối tượng này được hỗ trợ đào tạo nghề với mục tiêu quay trở lại TTLĐ.

Sàn giao dịch việc làm Đông Anh kín người lao động thất nghiệp đến làm thủ tục để nhận trợ cấp nhưng cực kỳ ít trong số này quyết định học nghề.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội năm 2020, chỉ có 3% người sau thất nghiệp nhận hỗ trợ đào tạo nghề.

Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết: "Con số 3% là tương đối thấp. Bên cạnh việc ảnh hưởng dịch COVID-19, một nguyên nhân nữa chúng tôi nhận định là chính sách học nghề cho lao động thất nghiệp chưa có tính thu hút, hiện tại mới chỉ dừng ở hình thức đào tạo sơ cấp nghề, hỗ trợ 1 triệu/tháng tối đa 6 tháng - thì cũng không có những ngành nghê chất lượng cao, mang tính thu hút lớn".

Có thể thấy, dù được hỗ trợ nhưng chỉ dừng lại ở hình thức đào tạo sơ cấp nên để học xong có việc làm ngay thì người lao động dường như không có nhiều sự lựa chọn.

Có tới 30 ngành nghề khác nhau tại Trường Trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội, nhưng chị Bích Thủy quyết định học lái xe vì tính thiết thực, số tiền học phí đóng thêm cũng ở mức thấp nhất. "Chi phí học nghề tôi được hỗ trợ 50%, tổng chi phí tôi phải đóng thêm 3 triệu nữa" - chị Lê Thị Bích Thủy, Tp Hà Nội nói.

Chưa kể, hiện có nhiều nghề thu hút lượng nhu cầu học rất lớn như thẩm mỹ, nấu ăn, điện tử,… nhưng để học nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thì cần kinh phí đào tạo lớn. Đây cũng là rào cản khi người lao động sau thất nghiệp quyết định học nghề được đại diện Cục việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận định.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: "Hiện, Cục đã tham mưu và Bộ cũng đã có tờ trình tăng mức hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp. Trên tinh thần là tăng mức tiền hỗ trợ hàng tháng, linh hoạt hơn trong gói hỗ trợ. Trước hỗ trợ theo tháng thì nay hỗ trợ theo thời gian, theo gói… Mức hỗ trợ sẽ phải tăng lên".

Cũng theo ông Tú, bên cạnh việc nâng mức hỗ trợ học nghề, cần đồng thời triển khai các giải pháp: xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho nhóm lao động sau thất nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước