Thiếu nước sạch vì trạm cấp nước bỏ hoang
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đây là nhờ những nguồn lực đầu tư như vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, từ ngân sách và chủ trương xã hội hóa của Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế đến nay cũng mới chỉ có 51%, tức là mới có khoảng một nửa số người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Một số lượng lớn các trạm cấp nước rơi vào tình trạng hoạt động kém hoặc thậm chí không hoạt động, bỏ hoang…
Những nguồn lực đầu tư là có nhưng chưa được khai thác hiệu quả, khâu quản lý, vận hành và khai thác có nhiều vấn đề như thời gian đầu tư kéo dài, giàn trải, lãng phí, tiêu cực, thất thoát… Cuối cùng, rất đông người dân nông thôn ở nhiều địa phương trong nhiều năm qua vẫn phải loay hoay tự tìm kiếm nguồn nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày với chi phí họ phải tự bỏ ra không hề nhỏ.
Tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, nhóm phóng viên VTV lần theo mạng lưới ống nước chằng chịt để tìm đường lên con suối, nguồn nước ăn của người dân nơi đây, vô tình đã gặp ông Vinh đang dò sửa đường ống dẫn nước về gia đình.
Để đưa được nước từ khe suối trên núi về nhà sử dụng, hơn 300 hộ dân của 2 xóm trong xã Hiền Lương đã phải tự lắp đặt những đường ống nhựa dẫn nước xa nguồn nước từ 2-3km, thậm chí 4km, nên số tiền các hộ phải bỏ ra mua ống nước có khi lên tới 30-40 triệu đồng. Điều đáng nói là những đường ống nước của người dân lại nằm ngay cạnh đường ống nước khá to, kiên cố của trạm cấp nước sạch không thể hoạt động và bị bỏ hoang nhiều năm...
Trạm cấp nước trong ảnh dưới đây được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hòa Bình đầu tư gần chục tỷ đồng từ năm 2016 để cấp nước sạch hợp vệ sinh cho 200 hộ dân 3 xóm Ngù, Mái và Lương Phong. Hơn 4.500 đồng/m3 nước với người dân Xóm Ngù thuần nông, mức giá đó chưa hợp lý nên ít hộ dám dùng nước sạch. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng, trạm cấp nước đã dừng hoạt động vì đường ống bị tắc.
Đà Bắc là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình, với 17 đơn vị hành chính cấp xã và được Nhà nước đầu tư ngân sách rất lớn cho chương trình cấp nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, hơn 10 trạm cấp nước tại các xã đều không còn hoạt động cả chục năm nay đã khiến hàng vạn hộ dân cũng chừng đó năm phải chi không ít tiền để kéo nước suối ô nhiễm, chưa qua xử lý về dùng.
Quá nhiều sai phạm và yếu kém trong đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch đã được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra.
+ UBND tỉnh Hoà Bình giao cho các đơn vị quản lý, khai thác sai quy định. Các đơn vị này làm sai các quy định của pháp luật về nhận nợ, trả nợ NSNN, trích khấu hao tài sản và quy định về hạch toán, mở sổ sách kế toán…
+ Các công trình giao xã quản lý đều không được UBND tỉnh phê duyệt phương án giá bán nước dẫn đến thiếu nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng, xuống cấp, nhiều công trình không vận hành được hoặc kém hiệu quả, bỏ hoang nhiều năm.
+ Yếu kém trong công tác quản lý, đến nỗi toàn tỉnh Hoà Bình có 297 công trình cấp nước sạch nông thôn, thì có tới một nửa trong số đó không tổng hợp được giá trị của công trình.
Lãng phí một nguồn ngân sách rất lớn, lãng phí tiền bạc của hàng vạn hộ dân… Và nghịch lý là hàng chục nghìn người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số lâm vào cảnh khát nước sạch, phải sử dụng nước suối, nước khe ngay bên cạnh những trạm cấp nước bỏ hoang từ nhiều năm qua.
Người dân chưa mặn mà với nước sạch
Đó là câu chuyện về những người dân miền núi mong có nước sạch dùng mà không có bởi các trạm cấp nước không hoạt động. Nhưng cũng có một nghịch lý ở nhiều địa phương khác là có nước sạch xã hội hóa mà người dân lại chẳng mặn mà sử dụng...
Tại xã Gia Minh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Mới nhìn qua, không ai nghĩ đây là 1 trạm cấp nước tập trung của xã. Nhà điều hành là chỗ chứa cỏ khô cho gia súc. Nhà kỹ thuật là chỗ nhốt trâu bò mỗi khi mưa gió. Hệ thống bể lắng lọc, một bên để trồng rau, còn một bên chứa nước tưới rau.
Công trình nước sạch nông thôn này được đầu tư cả chục tỷ đồng, mục đích là cấp nước sạch đủ tiêu chuẩn cho người dân xã Gia Minh, huyện Gia Viễn nhưng chưa kịp hoàn thành thì đã bị bỏ hoang. Tới thời điểm này là hơn 15 năm.
Đằng đẵng nhiều năm chờ nước sạch mà trạm cấp nước sạch lại bỏ hoang. 3 năm trở lại đây, theo chính sách xã hội hoá của tỉnh, người dân xã Gia Viễn đã có nước sạch về tận nhà. Nhưng trái ngược với kỳ vọng của các cấp chính quyền, dù các hộ gia đình đều đã bỏ kinh phí lắp đặt đồng hồ nước theo quy định, nhưng rất nhiêu hộ dân không mặn mà dùng nước sạch. Những chiếc đồng hồ nước cũng bị bỏ quên.
Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 100 công trình cấp nước tập trung, một nửa trong số đó đang hoạt động, nhưng đa phần chưa hiệu quả. Số còn lại đang trong tình trạng bỏ hoang.
Ở Ninh Bình, ngoài những công trình có quy mô nhỏ, cấp nước cho nhóm hộ gia đình, được đầu tư xây dựng chủ yếu từ nguồn vốn UNICEF tài trợ cũng có khá nhiều công trình quy mô toàn xã, đầu tư hàng chục tỷ đồng với công suất thiết kế hàng nghìn m3/ngày đêm nhưng cũng bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí.
Xã hội hóa và đơn vị quản lý có mức giá nước cao cũng là một nguyên nhân khiến tỷ lệ người dân tại tỉnh Ninh Bình sử dụng nước sạch khá thấp. Tính trung bình mỗi hộ dân chỉ sử dụng 6-8m3 nước/tháng. Rồi từ tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch thấp lại khiến việc đầu tư hàng trăm công trình cấp nước chưa hiệu quả. Đây được xem là một vòng luẩn quẩn của công tác cấp nước sạch nông thôn.
Có quá nhiều bất cập trong công tác đầu tư, quản lý, cấp nước sạch nông thôn. Với nhiều tỉnh thành như Ninh Bình, làm sao để đầu tư công trình hiệu quả, đảm bảo chất lượng nước đã khó nhưng làm sao để duy trì các công trình hoạt động lâu bền còn là việc khó hơn.
Giải pháp cho công tác cấp nước sạch nông thôn
Hiện cả nước có trên 18.000 công trình cấp nước sạch nông thôn, các công trình nhỏ và rất nhỏ chiếm tới 80%. Còn lại là quy mô vừa, quy mô lớn. Trong 18.000 công trình này thì có tới trên 35% không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Theo các chuyên gia ngành nước, con số thực sẽ còn cao hơn rất nhiều lần con số 35% này.
Một trong những nguyên nhân chính khiến 35% các công trình cấp nước nông thôn không hoạt động, hoạt động không hiệu quả ... là do việc phân kỳ nguồn vốn đầu tư chưa hợp lý.
Giá nước sạch hiện chưa được tính đúng, tính đủ, dẫn đến không đủ kinh phí vận hành cũng khiến các công trình được đầu tư bài bản rơi vào tình trạng kém hiệu quả chỉ sau thời gian ngắn hoạt động… Đặc biệt, việc xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành công trình; hay chính sách bù giá nước sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước như vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, ven biển, biên giới và hải đảo chưa thực sự được quan tâm.
Theo các chuyên gia ngành nước, tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch nhiều năm qua đã không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ hợp lý, đặc biệt còn tạo các nhóm "trục lợi chính sách" cạnh tranh không lành mạnh.
Trên thị trường nước sạch, vai trò điều tiết - quản lý Nhà nước cũng bị phân mảnh, thiếu tính thống nhất. Khâu sản xuất nước sạch liên quan đến nguồn nước đầu nguồn (gồm nước mặt và nước ngầm) do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Khâu phân phối nước sạch do Bộ Xây dựng quản lý đối với đô thị và khu công nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với khu vực nông thôn. Khâu tiêu dùng nước liên quan đến giá bán nước do Bộ Tài chính quản lý; và tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng nước do Bộ Y tế kiểm soát.
Đã đến lúc cần phải có một hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho ngành nước sạch, để điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả vấn đề xử lý nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn với mục tiêu đặt ra là 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch quy chuẩn vào năm 2030, còn tới năm 2045 là 100%. Để thực hiện thành công Chiến lược này, việc nhận diện và khắc phục những bất cập trong triển khai các công trình, dự án nước sạch nông thôn phải thật triệt để.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!