Ngăn chặn đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển giáp ranh

Nguyễn Sơn-Chủ nhật, ngày 26/02/2023 20:30 GMT+7

VTV.vn - Thông qua hệ thống máy bộ đàm nghề cá, tín hiệu cảnh báo được tàu cảnh sát biển gửi trực tiếp đến nhóm tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.

Triển khai kế hoạch 180 ngày cao điểm để gỡ "thẻ vàng" từ EC, từ nay đến tháng 5/2023 phải kiểm soát 100% tàu cá, đảm bảo thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; chấm dứt hoạt động tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp; xử lý 100% các trường hợp vi phạm và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng… - đây là quyết tâm của các cơ quan chức năng nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để gỡ thẻ vàng đối với ngành Thủy sản Việt Nam.

Nhằm tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật trên biển, mới đây Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã triển khai một đoàn công tác tuần tra chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.

Bằng thiết bị radar trinh sát, tàu cảnh sát biển 4039 phát hiện tại đường phân định giữa Việt Nam và Malaysia có một nhóm tàu cá đang tiến gần đến khu vực cấm.

Ngăn chặn đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển giáp ranh  - Ảnh 1.

Chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là biện pháp duy nhất để gỡ thẻ vàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Trên màn ảnh radar, nhóm tàu này được cảnh báo bằng tín hiệu nhấp nháy đỏ, ngay lập tức tàu cảnh sát biển 4039 được lệnh tăng tốc tiếp cận nhóm tàu cá có dấu hiệu vi phạm.

Thông qua hệ thống máy bộ đàm nghề cá, tín hiệu cảnh báo được tàu cảnh sát biển gửi trực tiếp đến nhóm tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài.

Do hệ thống máy bộ đàm của tất cả các tàu cá đều được bật 24/24 nên thông tin cảnh báo của lực lượng cảnh sát biển ngay lập tức được tiếp nhận. Nhóm tàu cá nhanh chóng chuyển hướng không tiến về phía vùng biển giáp ranh với nước bạn.

Để sẵn sàng ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, trên vùng biển Tây Nam ở thời điểm hiện tại đang duy trì 1 biên đội 8 chiếc tàu của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư. Liên tục tuần tra dọc theo đường phân định để đảm bảo không có tàu cá nào của Việt Nam xâm phạm vùng biển của nước bạn.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các lực lượng trên hiện trường để tuần tra, xử lý kịp thời các trường hợp cố tình vi phạm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như bộ biên phòng, công an, chi cục thủy sản..., làm sao kiểm soát ngay từ trên bờ, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân", Trung tướng Nguyễn Quốc Oai, Chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, cho biết.

Trước khi thẻ vàng IUU được áp dụng cho ngành Thủy sản Việt Nam, EU là thị trường xuất khẩu hải sản lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị nhập khẩu khoảng 450 triệu USD. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm EC áp dụng thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu cũng liên tiếp giảm theo.

Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam chỉ xuất được khoảng 300 - 350 triệu USD hải sản vào EU. Nếu thẻ vàng không được gỡ, giá trị xuất khẩu có nguy cơ còn giảm tiếp, do các biện pháp kiểm tra ngày càng nghiêm ngặt hơn. Do đó, chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là biện pháp duy nhất để gỡ thẻ vàng này.

Cà Mau nỗ lực ngăn chặn tàu cá đánh bắt trái phép Cà Mau nỗ lực ngăn chặn tàu cá đánh bắt trái phép

VTV.vn - Nếu năm 2021, tỉnh Cà Mau có 8 tàu vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài bị bắt giữ thì từ đầu năm 2022 đến nay, số tàu vi phảm giảm xuống còn 2 tàu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước