Gây phẫn nộ và ám ảnh đối với nhiều người là vụ việc 1 em bé 3 tuổi bị cha dượng và mẹ đẻ sinh sống ở quận Đống Đa, TP Hà Nội bạo hành gây tử vong. Vụ án gây căm phẫn trong dư luận, trên mạng xã hội nhiều người kêu gọi xét xử nghiêm minh vụ án, đúng người đúng tội, đặc biệt khi mà gia đình bị cáo đã thuê những luật sư có tiếng để bào chữa cho bị cáo.
Ngày 19/11/2020, đánh giá hành vi của 2 bị cáo mất tính người, gây bức xúc trong xã hội, xâm hại đến tính mạng và quyền sống thiêng liêng của nạn nhân, HĐXX tòa án nhân dân tối cao TP Hà Nội tuyên án cha dượng tử hình, mẹ đẻ tù chung thân do tội ác gây ra. Đây là bản án nghiêm khắc đã được dư luận đồng tình và ủng hộ.
Gần nhất, sự việc thiếu niên mới 14 tuổi bị chủ quán bánh xèo ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tra tấn, hành hạ, bóc lột lao động trong thời gian dài... cũng gây chấn động dư luận.
Không chỉ người dân mà nhiều tổ chức quốc tế cũng ủng hộ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua trong công tác bảo vệ trẻ em. Nhiều vụ việc đã được đưa ra ánh sáng và nhận những bản án thích đáng
Chi chít vết thương trên người thiếu niên mới 14 tuổi bị chủ quán bánh xèo ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tra tấn, hành hạ. Ảnh: VTV Digital.
Theo số liệu của Cục trẻ em, Bộ lao động thương binh xã hội, trong 5 năm trở lại đây, toàn quốc có hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại. Trong đó có 170 vụ việc trẻ em bị giết hại, 536 vụ cố ý gây thương tích với trẻ em. Lứa tuổi từ 13-16 tuổi là lứa tuổi trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
Những năm gần đây, nhận thức của xã hội đối với việc bảo vệ trẻ em, đấu tranh chống lại các hành vi bạo hành trẻ đã có những chuyển biến lớn. Nhờ đó, nhiều vụ việc bạo hành trẻ em bị phát hiện và tố cáo tới cơ quan chức năng, có những vụ việc được xử lý nghiêm minh. Nghị quyết 06 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý các hành vi bạo lực đối với trẻ.
Tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em
Về xử phạt hành chính, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định số 91/2011/NĐ-CP với mức xử phạt cao nhất đối với hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi trẻ em, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi từ 5 triệu tăng lên thành 10 triệu đồng. Đối với hành vi tổ chức, bắt trẻ đi xin ăn thì mức xử phạt cao nhất từ 10 triệu tăng lên thành 15 triệu đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thay thế cho bộ luật hình sự 1999 đã quy định rõ trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Mức hình phạt cao nhất cho tội ngược đãi và hành hạ người dưới 16 tuổi cũng tăng lên đến 3 năm tù giam. Trong trường hợp nghiêm trọng gây chết người có thể bị phạt tù chung thân.
Tiến trình xây dựng nền tư pháp thân thiện đối với trẻ em cũng được khởi động với việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên và ra đời nghị định 06 của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật hình sự và xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, tạo ra sự thay đổi về tư pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục.
Cặp đôi mẹ đẻ, cha dượng bạo hành con tại tòa ngày 18/11. Ảnh: Dân trí.
Ngoài các vụ bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần cũng nghiêm trọng không kém, nhưng lại khó phát hiện, khó định tội và khó xử lý hơn, Đây được coi là tảng băng chìm trong cuộc chiến chống lại nạn bạo lực với trẻ em. Đáng tiếc là lại đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong chính các gia đình, các lớp học, bởi những người thân thiết nhất với các em.
Bạo lực tinh thần – khó phát hiện, khó xử lý
Bạo lực tinh thần có thể tác động lên cảm xúc hành vi của đối tượng bị tác động. Ví dụ với những trường hợp trẻ bị bố mẹ mắng, bạn bè trêu chọc xúc phạm khiến các em lo lắng, mất tự tin về bản thân.lâu dần sẽ có biểu hiện về lo lắng, trầm cảm…
Đa số trẻ đến khám và điều trị tại Khoa sức khỏe vị thành niên, bệnh viện Nhi TW đều ở tình trạng nặng. Thậm chí chỉ khi trẻ có những phản ứng gây nguy hiểm cho tính mạng như tự cắt vào da thịt thậm chí là tử tử thì mới được cha mẹ đưa đến.
Nếu như bạo lực về thể chất có thể dễ dàng phát hiện do hậu quả có thể nhìn thấy ngay trên thân thể thì bạo lực về tinh thần lại khó xử lý hơn rất nhiều. Chưa kể người gây ra những bạo hành ấy đa số lại chính là người thân của các em.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới: 20% trẻ em và người vị thành niên có rối loạn tâm thần,50% khởi phát ở độ tuổi 14. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở lứa tuổi 15-19. Vì vậy, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cũng cho rằng cha mẹ cần phải đặt mình vào vị trí của con, lắng nghe và phát hiện những sự thay đổi nhỏ nhất để có thể can thiệp kịp thời.
Xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em... đều là những hành vi bị lên án, và bị xử lý nghiêm theo quy định của Luật Trẻ em 2016, Luật hình sự 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Đó là ở góc độ luật pháp. Pháp luật xử lý nghiêm minh chưa đủ, bởi vì bạo lực với trẻ xảy ra ở những nơi khó giám sát như gia đình hay trường học. Chính vì vậy; thay đổi nhận thức của xã hội trong việc tôn trọng và bảo vệ trẻ em, không được phép để trẻ chịu đựng mọi sự tổn thương dù nhỏ nhất là điều quan trọng.
Hai vị khách mời trong chương trình Sự kiện và Bình luận về chủ đề bạo lực trẻ em.
Làm sao để trong cuộc chiến này; ánh sáng lương tâm của mỗi ông bố bà mẹ, mỗi thầy cô, mỗi người lớn phải được khơi dậy và soi chiếu trong mọi hành vi liên quan đến con trẻ. việc đối xử thô bạo, mất nhân tính với trẻ em, đối tượng yếu thế nhất trong xã hội là hành vi phải bị loại trừ trong xã hội.
Các vị khách mời trong chương trình Sự kiện & Bình luận tuần tuần là ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và bà Phạm Thị Bích Hảo -Luật sư Bảo vệ trẻ em sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!